Mới đây, tỷ phú Elon Musk đã yêu cầu nhân viên văn phòng đi làm trở lại nếu không muốn bị đuổi việc. Trong bức email được gửi ngày 31/5, ông chủ Tesla này đã tranh luận rằng để công ty thành công thì những nhân viên văn phòng phải đi làm thay vì được làm việc từ xa như hiện nay.
"Bất kỳ ai muốn làm việc từ xa thì cũng phải có mặt tại văn phòng ít nhất (tôi xin nhắc lại là "ít nhất") 40 tiếng mỗi tuần. Con số này là còn ít hơn nhiều so với các công nhân rồi đấy", Elon Musk viết.
Bóc lột lao động?
Bản thân nhà sáng lập này từng tranh luận rằng nhờ chế độ làm việc miệt mài, ngủ tại công ty mà Elon Musk đã giúp Tesla thoát khỏi cảnh phá sản.
"Nếu bạn càng chuyên nghiệp thì bạn sẽ có mặt đầy đủ hơn ở cơ quan. Đấy là lý do mà tôi có mặt ở công ty suốt ngày và mọi người có thể chứng kiến đến ông chủ của họ cũng đang làm việc cùng mình". Elon Musk tự hào nói.
Với quan điểm này, chằng có gì khó hiểu khi những nhân viên Tesla thuộc hàng lao động vất vả nhất thế giới. Trong thời điểm Thượng Hải bị cách ly chống dịch, các công nhân của nhà máy Tesla tại đây đã phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày và thay ca liên tục, 6 ngày mỗi tuần. Họ phải ngủ tại nhà máy và sau này là những phòng nghỉ ngơi được dựng vội.
Tương tự, kể cả nhà máy ở Mỹ dù không phải cách ly chống dịch thì cũng phải làm 12 tiếng thay ca liên tục, 6 ngày mỗi tuần khi cần tăng sản lượng.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia lo ngại phải chăng Tesla đang bóc lột người lao động quá mức. Xin được nhắc là cổ phiếu của hãng xe điện này đã tăng 6 lần kể từ khi bắt đầu đại dịch năm 2020 và Tesla áp dụng chế độ làm việc từ xa.
Tờ Quartz chỉ trích Tesla có điều kiện làm việc tồi tệ khi bóc lột người lao động. Vào tháng 5/2020, Elon Musk đã cho mở cửa trở lại nhà máy của hãng tại California bất chấp khuyến nghị cho mọi người ở nhà cách ly chống dịch từ chính phủ, qua đó bị giới truyền thông chỉ trích thậm tệ vì vi phạm an toàn sức khỏe cộng đồng.
Trong khoảng tháng 5-12/2020, khoảng 450 công nhân làm việc cho Tesla đã ghi nhận nhiễm virus Sars nCov-2. Rất nhiều trường hợp tố cáo công ty tự ý đuổi việc họ chỉ vì không chịu đến nhà máy do lo ngại tình hình dịch bệnh.
Xin được nhắc là Tesla từng cam kết sẽ không ép buộc công nhân đi làm trong những tháng đầu đại dịch bùng nổ, thế nhưng Elon Musk đã lật kèo để chạy kịp sản lượng mục tiêu, qua đó giữ được lợi nhuận cho công ty cũng như bản thân.
Một cuộc điều tra của tờ The Guardian năm 2017 cũng cho thấy áp lực sản lượng của Tesla đã khiến rất nhiều nhân viên bị ốm hoặc bị thương vì làm việc. Mặc dù Tesla đã cam kết cải thiện an toàn lao động, thế nhưng các nhà chức trách ở bang California cho biết công ty này tiếp tục không giải thích được tại sao vẫn có hàng trăm trường hợp nhân viên bị thương tại nhà máy ở Fremont-California.
"Điểm mù" của Elon Musk
Tờ Quartz cho biết Elon Musk đang nắm giữ đến 130 tỷ USD cổ phiếu của Tesla và yêu cầu nhân viên phải yêu quý công ty cũng như cống hiến hết mình như ông từng làm. Bản thân Elon Musk từng mỉa mai rằng sẽ chẳng có ai thay đổi được thế giới nếu chỉ làm việc có 40 tiếng mỗi tuần, đồng thời tự hào mình từng ngủ trên sàn nhà xưởng khi cùng các công nhân chạy kịp sản lượng cho mẫu ô tô điện Model 3.
Tuy nhiên quan điểm này của Elon Musk lại đang vấp phải vô số sự chỉ trích từ giới CEO cũng như các chuyên gia gần đây. Xu thế cống hiến hết mình, làm việc quá sức đang trở nên lỗi thời hậu đại dịch khi người lao động nhận ra họ đã bỏ qua những thứ quan trọng của cuộc sống mùa cách ly. Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu cổ xúy cân bằng lao động, chăm lo sức khỏe đời sống nhân viên của mình hơn thay vì ép buộc sản lượng.
Tại Trung Quốc, văn hóa làm việc "996" (9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần) tương tự như của Tesla đang bị tẩy chay. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, người lao động trẻ đang dần từ bỏ những công việc quá áp lực, bóc lột sức khỏe người lao động để cân bằng lại cuộc sống.
Thậm chí ở Mỹ, rất nhiều người từ chối trở lại làm việc để tận hưởng cuộc sống cùng gia đình sau nhiều năm vất vả. Việc cách ly mùa dịch khiến nhiều người có thời gian bên gia đình và người thân hơn, qua đó cảm thấy ác cảm với cuộc sống cắm mặt vào công việc.
Tình hình doanh nghiệp thiếu lao động đang khiến nhiều công ty tại Mỹ phải nhún nhường trước nhân viên. Một số công đoàn của những thương hiệu lớn như Starbucks hay Apple đang dẫn đầu phong trào đòi quyền lợi cho lao động. Mức lương bình quân tại Mỹ cũng tăng lên do tình hình thiết hụt người làm.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ
Số liệu của Bộ lao động Mỹ cho thấy khoảng 4,4 triệu người, tương đương 2,9% tổng số lao động đã bỏ việc trong tháng 4/2022. Trong khi đó, Mỹ hiện có khoảng 11,4 triệu đăng ký tuyển dụng mới.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang giảm dần nhưng theo tờ Quartz, ngành sản xuất với tỷ lệ bỏ việc vẫn cao hiện nay sẽ khó tuyển dụng hơn. Thêm nữa, đại dịch khiến nhiều lao động cẩn trọng hơn với môi trường và điều kiện làm việc, qua đó từ chối những công việc có độ an toàn kém, vốn là điểm yếu chí mạng của Tesla.
Cả Elon Musk lẫn những người điều hành Tesla đều từng hứa hẹn về một tương lai tươi sáng, thế nhưng quyền lợi của người lao động thì không được cải thiện. Có lẽ với những người như tỷ phú Musk, việc hy sinh hết mình để "thay đổi thế giới" là điều hiển nhiên, có điều ai sẽ phải chịu thiệt thì nhà sáng lập này không nói rõ.
*Nguồn: Quartz, FT, Fox
http://tintuc.vdong.vn/06/1373414.htmHuyền Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế