Sau tại nghe Airpods, máy tính bảng iPad sẽ là sản phẩm thứ 2 được Apple sản xuất tại Việt Nam. Theo báo Nikkei, dây chuyền có thể sẽ sớm sản xuất một số lượng nhỏ iPad trong thời gian tới.
Tờ báo này còn nhận định: "Động thái này không chỉ cho thấy nỗ lực không ngừng của Apple trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam đối với công ty này".
Không chỉ Apple, mà các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Mỹ… đều có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong tương lai.
Kết quả khảo sát 1.500 công ty nước ngoài của Ngân hàng HSBC mới đây cho thấy 21% các công ty Ấn Độ đang hoặc dự định thiết lập hoạt động tại Đông Nam Á có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 2 năm tới. Đồng thời, 26% doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đang hướng đến ưu tiên tăng trưởng tại đây.
"Xét về các lợi thế của Việt Nam, các công ty nước ngoài được hỏi cho rằng lực lượng lao động có kỹ năng là điểm hấp dẫn nhất. Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính phủ và môi trường pháp lý là 2 yếu tố mà các công ty của Ấn Độ và Trung Quốc đánh giá rất cao, khi họ nhìn nhận Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn", bà Stephanie Betant - Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam cho hay.
Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các doanh nghiệp ngoại. Ảnh minh họa.
Thông qua những trao đổi với các khách hàng, HSBC cũng cho rằng xu hướng ngày càng nhiều các doanh nghiệp toàn cầu chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam "không phải là tạm thời, mà mang tính chiến lược và lâu dài".
Tuy nhiên, các công ty được HSBC khảo sát cũng nhận thấy rằng vẫn còn tồn tại một số thách thức cần tháo gỡ.
Bà Stephanie Betant cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, các khách hàng nhận định rằng gián đoạn nguồn cung ứng vẫn tồn tại và đây là một thách thức lớn khi kinh doanh tại Việt Nam. Chưa kể các vấn đề về văn hóa như rào cản về ngôn ngữ, hay cách thức kinh doanh cũng khiến một số doanh nghiệp nước ngoài ngần ngại. Một điểm cuối cùng các doanh nghiệp đang chờ đợi các quy định và quy tắc mới về giảm thiểu carbon, để có những chiến lược cụ thể hơn".
Để đón sóng đầu tư FDI với quy mô lớn hơn, bền vững hơn, giá trị cao hơn, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.40214230130602202-iaogn-peihgn-hnaod-nad-pah-cut-peit-man-teiv/et-hnik/nv.vtv