Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
'Vậy là lại thêm một ánh tà dương nữa của nhóm Thứ Sáu vụt tắt', ông Phan Chánh Dưỡng ngậm ngùi tìm tấm ảnh cuộc họp mặt gần nhất của nhóm dịp Tết vừa rồi.
Trong ảnh - chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn - như thường lệ vẫn luôn là người "phong độ" nhất. Tóc đen. Áo hồng. Nụ cười hài lòng của chủ nhà.
Từ đó đến nay mới vừa tròn bốn tháng.
Lâm bệnh bất ngờ, trở nặng không ngờ, và sáng sớm nay ông Huỳnh Bửu Sơn đã ra đi.
"Vừa mới hôm qua, nghe anh từ viện về nhà, tôi đến thăm, mang theo tấm hình này. Anh xem, cười rất vui, bảo mấy hôm nữa qua cơn bệnh, phải tụ họp một cuộc lớn hơn nữa, đông đủ hơn nữa. Nhóm Thứ Sáu trong hình này vẫn còn thiếu mấy người… Vậy mà anh ấy đã vội đi, rời xa chúng tôi để đoàn tụ với Trần Bá Tước, Lâm Võ Hoàng", ông Dưỡng xót xa nói tiếp.
Nhóm Thứ Sáu của các ông đã họp những cuộc họp vào ngày thứ Sáu gần 40 năm. 40 năm những người bạn bắt tay nhau vì tình yêu lớn với đất nước, vì mong ước lớn với nền kinh tế nước nhà, và họ đã cùng làm được những việc thật lớn.
1986, nền kinh tế bắt đầu đi vào đổi mới, mở cửa với bao nhiêu ngổn ngang của 10 năm bao cấp. Đây cũng là lúc nhóm Thứ Sáu chính thức hoạt động với sự đồng ý và đặt hàng của Thành ủy TP.HCM.
Những đề án của nhóm: Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế; Đổi mới hệ thống ngân hàng; Xây dựng chính sách phát triển ngoại thương cho Việt Nam; Quy hoạch vùng để phát triển kinh tế… đã góp phần hiệu quả trong việc giúp kinh tế - xã hội ổn định lại và sẵn sàng những đường băng để cất cánh.
Tấm ảnh mới nhất của nhóm Thứ Sáu dịp Tết Nhâm Dần 2022 tại nhà ông Huỳnh Bửu Sơn (áo hồng đậm) - Ảnh: Nhóm Thứ Sáu
"Anh Huỳnh Bửu Sơn là chuyên gia kinh tế lỗi lạc vào bậc nhất của nhóm, ai ai cũng biết đến. Đóng góp của anh trong các đề án ấy là rất lớn. Phần tôi, tham gia vào những đề tài ấy như vừa được học xong đại học kinh tế", ông Phan Chánh Dưỡng khẳng định.
Đối với Sài Gòn - TP.HCM, ông Huỳnh Bửu Sơn không chỉ nổi tiếng là một chuyên gia kinh tế, tư vấn hay một nhà quản trị hiệu quả. Ông còn được biết đến là người đã giữ và bàn giao kho vàng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa cho những người chủ mới không suy suyển một ly, một cắc trong những ngày đầu của chế độ mới.
Ông từng thuật lại cuộc kiểm kê - bàn giao ấy trên Tuổi Trẻ với lời kết thật cảm động: " Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất.
Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia".
Tác phẩm Giấc mơ hóa rồng - Kinh tế Việt Nam trong 25 năm mở cửa và đổi mới của Huỳnh Bửu Sơn
Ông đã tiếp tục hồ hởi mà kiên nhẫn cùng với đồng nghiệp, bè bạn của mình, nhân dân của mình đi trên con đường xây dựng lại đất nước ấy với những "Giấc mơ hóa rồng" (tên một tác phẩm của Huỳnh Bửu Sơn - PV). Sứ mệnh của một trí thức yêu nước, hôm nay ông đã hoàn thành.
Ông Huỳnh Bửu Sơn sinh năm 1946, từ trần lúc 4h29 ngày 3-6-2022, thọ 77 tuổi.
Tang lễ tổ chức tại tư gia - hẻm số 9 đường Tên Lửa, quận Bình Tân, TP.HCM.
Lễ viếng từ 11h ngày 3-6. Lễ động quan lúc 6h ngày 5-6. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
TT - Người giữ chìa khóa kho vàng lúc đó là ông Huỳnh Bửu Sơn - làm việc trong ban lãnh đạo Nha Phát hành Ngân hàng Quốc gia. Dưới đây là hồi ức của ông về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng trước khi bàn giao cho chính quyền cách mạng.