vĐồng tin tức tài chính 365

Giá dầu khó giảm dù OPEC+ hứa tăng sản lượng

2022-06-03 15:36

Sau nhiều tháng phớt lờ lời kêu gọi tăng sản xuất, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) hôm 2/6 đã đồng ý tăng sản lượng dầu thô thêm 648.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và tháng 8. Con số này cao so với kế hoạch trước đó là tăng 432.000 thùng mỗi ngày.

Tuy nhiên, giá dầu chưa có tín hiệu hạ nhiệt. Hôm thứ tư (1/6), dầu Brent có lúc xuống mức 113 USD mỗi thùng vì tin đồn OPEC+ tăng sản xuất. Nhưng đến hôm qua (2/6), sau khi tin chính thức được công bố, giá dầu đã hồi phục lên trên 117 USD.

Các chuyên gia, nhà phân tích cho rằng, động thái mới nhất của OPEC+ gần như không tác động đáng kể đến nguồn cung lẫn giá dầu. Và bên hưởng lợi trong quyết định này dường như chính là Saudi Arabia.

Nguyên nhân là OPEC+ gần như chắc chắn không đạt mục tiêu sản lượng của chính họ trong những tháng tới. Dữ liệu của IEA cho thấy trong tháng 4, kể cả không tính Nga, OPEC+ cũng đã sản xuất thấp hơn mục tiêu chung tới 1,32 triệu thùng mỗi ngày. Các quốc gia thành viên không thể theo kịp mục tiêu tăng sản lượng do "công suất dự phòng và hiệu quả hoạt động giảm".

Một tổ hợp lọc hóa dầu của Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Một tổ hợp lọc hóa dầu của Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Trong khối, những nước thực sự có công suất dự phòng - tức là mức công suất có thể đạt được trong vòng 90 ngày và duy trì trong thời gian dài - là Saudi Arabia và UAE. Cả hai có công suất dự phòng dưới 3 triệu thùng mỗi ngày vào tháng trước. Giovanni Staunovo, Nhà phân tích thị trường dầu tại UBS, cũng xác nhận hầu hết các thành viên của OPEC + đều đã bơm hết công suất và không thể bơm thêm nữa, trừ hai quốc gia nêu trên.

Christyan Malek, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu dầu khí tại JPMorgan, cho biết thỏa thuận của OPEC+ khó có thể giúp dầu được bơm ra nhiều hơn trong thực tế hoặc hạ nhiệt được giá cả. Ông cho rằng tuyên bố chỉ mang tính "tượng trưng" chứ không có tác động đáng kể thực tế.

Cùng với đó, giới phân tích dự báo động thái tiếp theo của Nga cũng sẽ dẫn đến nguồn cung dầu thắt chặt, khiến giá khó giảm. OPEC+ tăng cung dầu trong bối cảnh sản lượng dầu của Nga liên tục giảm sau chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2.

Trong tháng 4, dầu Nga bơm ra thị trường giảm 950.000 thùng mỗi ngày so với tháng 2, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Đầu tuần này, Liên minh châu Âu (EU) cũng thống nhất cấm nhập khẩu dầu và nhiên liệu tinh chế từ dầu của Nga bằng đường biển.

Theo kế hoạch mới của OPEC+, Nga (cũng thuộc OPEC+) về lý thuyết có thể sẽ tăng sản lượng thêm 170.000 thùng mỗi ngày kể từ tháng sau, theo phân bổ. Tuy nhiên, một số quan chức OPEC tin rằng nước này sẽ khó làm điều này khi EU quyết định cấm nhập dầu Nga.

Nga là một trong ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, cùng với Saudi Arabia và Mỹ. Trước khủng hoảng Ukraine, nước này bơm ra 11,3 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 11% nguồn cung toàn cầu. Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets, cho rằng lệnh cấm nhập dầu Nga qua đường biển của EU có thể khiến Nga giảm xuất khẩu trong mùa hè này.

Không chỉ vậy, nước này còn có khả năng chủ động giảm cung. Một lãnh đaoh hãng dầu khí Lukoil (Nga) đã bình luận trên một tờ báo địa phương rằng Nga nên cắt giảm sản lượng dầu 20-30% để tránh phải bán với giá chiết khấu cao. Viêc này sẽ kéo giá dầu Nga lên.

Dù không giảm được giá dầu, quyết định mới nhất của OPEC+ đã mang lại chiến thắng về mặt ngoại giao cho Saudi Arabia - quốc gia dẫn dắt OPEC. Theo các nhà quan sát, việc Saudi Arabia đột ngột thay đổi quan điểm, đồng ý để OPEC+ tăng sản lượng chủ yếu là để thắt chặt quan hệ với Mỹ.

Các quan chức cấp cao của Mỹ đã tới Saudi Arabia trong những tuần gần đây. Tổng thống Mỹ Joe Biden và các phụ tá hôm qua (2/6) cũng ca ngợi động thái của nước này trong việc giúp OPEC+ chốt kế hoạch tăng sản lượng.

Dan Shapiro, Cựu đại sứ Mỹ tại Israel cho biết các động thái này là một dấu hiệu rõ ràng rằng Tổng thống Mỹ đã sẵn sàng đến thăm Saudi Arabia. "Có vẻ mọi thứ đang đi đúng hướng. Đây là những yếu tố mà họ cần. Ông Biden chỉ có thể sang thăm nếu nhận được cam kết từ Saudi Arabia về sản lượng dầu và các vấn đề lớn hơn", Shapiro bình luận.

Wall Street Journal trích các nguồn tin thân cận cho biết Saudi Arabia sẽ xem xét tăng bơm dầu nếu sản xuất của Nga tiếp tục giảm. Quyết định của họ cũng sẽ phụ thuộc vào chuyến thăm tiềm năng của ông Biden.

Tuy nhiên, Nga cũng không muốn bị gạt ra khỏi OPEC+ - nhóm hiện kiểm soát hơn một nửa sản lượng dầu của thế giới. Trước và sau khi xung đột Ukraine nổ ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn nhiều lần hội đàm với Thái tử Mohammed. Trong các lần đó, ông đều ca ngợi tầm quan trọng của OPEC +.

Tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tới Riyadh và gặp gỡ người đồng cấp Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan. Ông gọi OPEC + là tổ chức "quan trọng và phù hợp".

Phiên An (theo WSJ)

Xem thêm: lmth.5651744-gnoul-nas-gnat-auh-cepo-ud-maig-ohk-uad-aig/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giá dầu khó giảm dù OPEC+ hứa tăng sản lượng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools