Dự thảo Nghị quyết nêu, trại giam sẽ hợp tác với tổ chức, cá nhân để tạo công việc, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, theo kế hoạch do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự, thuộc Bộ Công an phê duyệt. Trại giam trực tiếp quản lý, giám sát lao động.
Số lượng trại giam được thí điểm mô hình này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.
Việc đưa phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đảm bảo nguyên tắc an toàn; tạo điều kiện giúp tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án tù. Phạm nhân tham gia trên cơ sở tự nguyện, được trả một phần công lao động. VKSND cấp tỉnh nơi trại giam đóng trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động ngoài trại giam.
Đơn vị hợp tác với trại giam sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngành nghề cho phạm nhân làm việc tập trung vào sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước.
Dự thảo quy định, 11 trường hợp phạm nhân không được lao động ngoài trại giam, gồm: phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh; có từ hai tiền án; tái phạm nguy hiểm; người tổ chức trong vụ án đồng phạm; người nước ngoài; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người dưới 18 tuổi; người đủ 60 tuổi trở lên; người bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần không đủ sức khỏe để lao động; đang xếp loại chấp hành án phạt tù trung bình hoặc kém; đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc.
Dự kiến Nghị quyết có hiệu lực từ 1/9, được thực hiện trong 5 năm.
Đọc tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội sáng 3/6, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm, cho biết công tác lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân đang gặp không ít khó khăn. Số người bị kết án phạt tù tăng, tạo áp lực lớn với công tác quản lý. Hầu hết trại giam đóng trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn cho việc tổ chức lao động cho phạm nhân trong trại giam.
Vì vậy, vấn đề cần hợp tác với đơn vị khác để mở ộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc, tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, tìm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án tù.
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định lập các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân trên đất trại giam quản lý. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành công an nhận thấy "việc mời gọi hợp tác gặp nhiều khó khăn".
Các ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong trại giam hiện đơn giản như nông, lâm nghiệp, thủ công, sơ chế, nên ít hình thành kỹ năng lao động thường xuyên. Trong khi số lượng phạm nhân chấp hành xong án tù trong độ tuổi lao động có nhu cầu lớn tìm việc làm.
Thẩm tra dự thảo nêu trên, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành với đề xuất của Chính phủ. Dự thảo Nghị quyết phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Quy định không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an được tổ chức mô hình này, nhằm đảm bảo đúng tính chất thực hiện thí điểm và tính khả thi. Hiện có 54 trại giam thuộc Bộ Công an quản lý, năm 2021 có hơn 157.000 phạm nhân. Như vậy, theo dự thảo, số trại giam được thí điểm không quá 18.
Ủy ban Tư pháp cũng tán thành quy định 11 nhóm phạm nhân không được đưa ra lao động ngoài trại giam. Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành đề xuất thí điểm 5 năm, để có đủ thời gian tổng kết, đánh giá hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất để hợp tác với trại giam.
Xem thêm: lmth.5251744-maig-iart-iaogn-gnod-oal-coud-gnohk-es-nahn-mahp-mohn-11/ten.sserpxenv