Thành viên đơn vị tình nguyện viên nước ngoài nhận vị trí tại thành phố Severodonetsk, Ukraine ngày 2-6 - Ảnh: REUTERS
* Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu tập Đại sứ Sri Lanka Janitha Abeywickrama Liyanage vào ngày 3-6 để phản đối việc bắt giữ một máy bay của Hãng Aeroflot ở sân bay quốc tế Bandaranaike.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ yêu cầu phía Sri Lanka nhanh chóng giải quyết vụ việc để tránh hậu quả tiêu cực đến quan hệ song phương hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Chiếc Airbus A330 của Hãng Aeroflot từ Matxcơva đến Colombo trong ngày 2-6 để chuẩn bị đón 200 khách về lại thủ đô nước Nga nhưng đã không được phép quay trở lại theo lệnh của Tòa án thương mại Colombo.
Tòa án được cho là đã ban hành lệnh bắt giữ sau khi có đơn khiếu nại của Công ty Celestial Aviation Trading Limited của Ireland, công ty liên kết với bên cho thuê máy bay GECAS.
* Ngày 3-6, giới chức Ukraine cho biết quân đội nước này đã giành lại khoảng 20% lãnh thổ bị mất tại thành phố Severodonetsk, theo báo The Guardian. Ông Serhiy Gaidai, thống đốc vùng Lugansk, cho biết lúc trước Nga kiểm soát khoảng 70% thành phố, hiện nay "chúng tôi đã đẩy lùi họ được khoảng 20%".
* Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Ukraine phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn và điều kiện cần thiết để gia nhập Liên minh châu Âu (EU), song bà kêu gọi EU giúp Kiev đạt được các mục tiêu này, tờ Kyiv Independent đưa tin ngày 3-6.
* Ngày 3-6, Liên Hiệp Quốc cho biết đang dẫn đầu các cuộc đàm phán căng thẳng với Nga để giải tỏa các cảng của Ukraine và giải phóng hàng chục triệu tấn ngũ cốc, với mục đích ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương lực toàn cầu, theo Hãng tin AFP.
* Người đứng đầu Liên minh châu Phi (AU) Macky Sall cho biết ông "yên tâm" sau cuộc hội đàm ngày 3-6 với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình trạng thiếu lương thực, báo The Guardian đưa tin.
Ngoài cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, hai ông cũng thảo luận về các vấn đề khác, bao gồm nguồn cung ngũ cốc đang bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine.
"Tôi nhận thấy ông Vladimir Putin đã cam kết và nhận thức được rằng cuộc khủng hoảng và các biện pháp trừng phạt đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho các nền kinh tế yếu, chẳng hạn như các nền kinh tế châu Phi", ông Sall nói với phóng viên. Ông cũng nói thêm rằng ông "rất an tâm và rất vui với cuộc trao đổi" giữa hai ông.
Tổng thống Senegal và là người đứng đầu Liên minh châu Phi (AU), ông Macky Sall, hội đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại thành phố Sochi, Nga - Ảnh: EPA
* Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình tối 3-6, ông Putin khẳng định "không có vấn đề gì" khi xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, theo Hãng tin AFP.
Tổng thống Nga cho biết việc xuất khẩu ngũ cốc có thể thực hiện thông qua các cảng của Ukraine, thông qua các cảng khác dưới sự kiểm soát của Nga, hoặc thậm chí thông qua ngõ Trung Âu.
Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc phương Tây "gây ồn ào" bằng cách cáo buộc Matxcơva ngăn cản xuất khẩu ngũ cốc từ Kiev.
Cụ thể, ông Putin đề cập đến khả năng xuất khẩu thông qua các cảng của Ukraine là Mariupol và Berdyansk (đều nằm dưới sự kiểm soát của Nga) ở biển Azov.
Tổng thống Putin cũng đề cập đến các cảng do Ukraine kiểm soát, đặc biệt là Odessa, song nhấn mạnh các cảng này phải được dọn sạch mìn trước đã. Ông Putin cũng nhắc đến các lựa chọn khác trong đó có sông Danube đi qua Romania, Hungary hay Ba Lan. Đồng thời khẳng định lựa chọn đơn giản, rẻ nhất và đơn giản nhất là đi qua Belarus.
* Ngày 3-6, Chính phủ Thụy Sĩ khẳng định sẽ không cho phép vật tư chiến tranh của nước này vận chuyển qua nước thứ ba để tới Ukraine, phù hợp với sự trung lập quân sự của nước này. Thụy Sĩ cho biết họ đã nhận được yêu cầu của Đức và Đan Mạch về việc chuyển giao vũ khí chiến tranh cho Ukraine và đã từ chối, theo AFP.
* Theo Hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Nga cho biết bộ sẽ triệu tập những người đứng đầu các hãng truyền thông Mỹ tại Matxcơva tới một cuộc họp ngày 6-6 để thông báo cho họ về các biện pháp cứng rắn nhằm phản ứng lại các hạn chế của Chính phủ Mỹ đối với truyền thông Nga.
* Ông Dave Clark, giám đốc điều hành đã đưa Amazon.com thành một tập đoàn vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, sẽ từ chức giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng để theo đuổi các cơ hội khác, Amazon thông báo ngày 3-6.
Theo Hãng tin Reuters, ngày làm việc cuối cùng của ông Clark là ngày 1-7, kết thúc 23 năm gắn bó với Amazon.
Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Amazon.com - Dave Clark - Ảnh: REUTERS
* Người dân Texas (Mỹ) đã thở phào nhẹ nhõm vào ngày 3-6 sau khi kẻ giết người đào tẩu Gonzalo Artemio Lopez, 46 tuổi, bị cảnh sát bắn hạ.
Theo Hãng tin AFP, tù nhân Lopez, đang thụ án chung thân vì giết 5 người, đã xoay xở trốn thoát khỏi một xe buýt vận chuyển tù nhân hôm 12-5, và bị truy lùng kể từ đó.
Y đã trở thành một trong những mục tiêu bị truy lùng gắt gao nhất trong lịch sử bang Texas. Cảnh sát đã đề nghị mức thưởng 50.000 USD cho thông tin giúp tìm ra Lopez.
* Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 4-6 đưa tin Triều Tiên ghi nhận thêm 79.100 ca bệnh có triệu chứng sốt và một ca tử vong trong 24 giờ, giữa lúc nước này đang đối mặt với đợt bùng dịch COVID-19 đầu tiên. Tính đến nay, Triều Tiên đã có gần 4 triệu ca bệnh có triệu chứng sốt.
* Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện có hơn 700 ca đậu mùa khỉ trên toàn cầu, trong đó có 21 ca tại Mỹ. Trong số các ca tại Mỹ có 17 ca là nam giới có quan hệ với người đồng giới và 14 ca liên quan đến du lịch. Tất cả bệnh nhân đã bình phục.
Trước đó, ngày 1-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan một thời gian. Theo WHO, từ ngày 7-5 đến 1-6, đã có hơn 550 ca bệnh được ghi nhận tại 30 nước ngoài châu Phi, nơi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.
TTO - Mỹ ủng hộ Philippines trong việc chỉ trích lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông; NATO lo lắng về "cuộc chiến tiêu hao" ở Ukraine; OPEC+ tăng sản lượng dầu... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 3-6.