Học sinh lớp 9/1 Trường THCS Trần Phú, Q.1, TP.HCM, trong giờ ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - Ảnh: NHƯ HÙNG
20h30 ngày 2-6, tại một con hẻm nhỏ trên đường Ngô Tất Tố, phường 19, quận Bình Thạnh, trời mưa tầm tã nhưng rất nhiều phụ huynh mặc áo mưa cần mẫn đứng đợi con tan học ở lớp luyện thi vào lớp 10.
Chị Xuân, một trong những phụ huynh, cho biết: "Thường ngày các học sinh sẽ học từ 17h30 - 20h15, tuy nhiên, chỉ còn mấy ngày nữa là thi nên thầy tăng tốc giải đề, học sinh sẽ về trễ hơn ngày thường, có ngày 21h mới xong".
Vượt đường xa đi luyện thi
Nhà chị Xuân ở tận quận 5, con chị đang học lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn quận 5.
"Tôi được bạn bè trong cơ quan giới thiệu đến đây. Lúc đầu chỉ tính cho con gái đi học thử, không ngờ bé nó thích thú, khen thầy dạy hay và dễ hiểu. Thế là một tuần hai buổi tôi chở con vượt qua đoạn đường hơn 10km để đi luyện thi vào lớp 10 chuyên toán.
Đường đi không chỉ xa xôi mà còn thường xuyên kẹt xe nên mẹ đưa con đi học thì ngồi vạ vật ở đây chờ con rồi đón về luôn" - chị Xuân chia sẻ.
Nghe nói đến chuyện vượt đường xa đưa con đi học, anh H., một phụ huynh đứng gần đó, cũng tham gia câu chuyện: "Nhà tôi ở TP Thủ Đức, chở con sang đây luyện thi cũng vất vả lắm. Như hôm nay, trời mưa ầm ầm từ 15h. Đến 16h30 tôi đón con ở trường THCS rồi vội vàng đưa con đến đây, chỉ kịp mua cho con ổ bánh mì lót dạ.
Thấy con mặc áo mưa ướt lướt thướt đi vào lớp học thêm, tôi xót quá nhưng nếu không học thêm thì rất khó đậu vào lớp chuyên".
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, không chỉ luyện thi vào lớp 10 chuyên mà rất nhiều phụ huynh đang cho con em luyện thi cấp tốc vào lớp 10 thường.
Chị Thu Nga, phụ huynh ở quận Phú Nhuận, kể: "Con tôi chỉ đăng ký vào lớp 10 Trường THPT Marie Curie, quận 3 - một trường tốp giữa của thành phố. Vậy nhưng tôi vẫn không yên tâm, vẫn phải cho con đi luyện thi cả ba môn văn, toán, ngoại ngữ vì thời kỳ học online, các cháu nắm bài không vững".
Luyện thi nhiều vì... dịch bệnh
Chị Tâm, phụ huynh cho con đi luyện thi tại một trung tâm ở quận 1, tâm sự: "Đến giữa học kỳ 2, tôi được biết là học sinh lớp 9 phải thi tuyển vào lớp 10. Tôi còn rất sốc khi nhận kết quả kiểm tra giữa kỳ của con với điểm số rất thấp. Thậm chí, cô chủ nhiệm còn thông báo con tôi bị mất căn bản môn văn.
Tôi vội vàng tìm lớp cho con đi học thêm và luyện thi cấp tốc mặc dù cháu chỉ đăng ký thi vào lớp 10 của những trường THPT bình thường, điểm chuẩn tương đương với lực học trung bình - khá".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình hình trên diễn ra ở khá nhiều trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ trên địa bàn thành phố.
"Điểm khác biệt của năm nay là nhiều phụ huynh yêu cầu dạy kèm 1:1 cho con em họ thay vì học theo số đông trên lớp như lâu nay. Lý do vì con em họ bị mất căn bản trong thời kỳ học online" - trưởng phòng học vụ của một trung tâm ở TP Thủ Đức thông tin.
Thừa nhận tình trạng trên, thầy T., giáo viên dạy luyện thi môn tiếng Anh ở quận 3, kể: "Do đặc thù của năm học ảnh hưởng vì dịch bệnh nên càng về cuối năm học, số lượng học viên đi luyện thi ngày càng tăng".
Anh Nguyễn Văn Mười, phụ huynh ở quận Bình Thạnh, cũng giải thích: "Lúc đầu tôi tính cho con gái học luyện thi ở một trung tâm trên địa bàn quận 1 nhưng khi được biết trung tâm chỉ dạy online thì tôi không đăng ký.
Cuối cùng, tôi chọn cho con gái học thêm với ba giáo viên ở ba địa điểm khác nhau, chấp nhận đi xa và vất vả hơn nhưng con mình học tập sẽ hiệu quả hơn. Học sinh lớp 9 năm nay rất thiệt thòi vì phải học trực tuyến suốt học kỳ 1, việc mất căn bản cũng vì học trực tuyến".
"Chiêu" của các trung tâm luyện thi
Một số trung tâm luyện thi hiện nay thường áp dụng "chiêu" trước khi mở lớp luyện thi cấp tốc: đầu tiên sẽ cho học sinh thi thử vào lớp 10 với đề thật khó. Thấy các con làm bài chỉ 2-3 điểm là phụ huynh tá hỏa, lo lắng và đăng ký ngay cho con đi học luyện thi cấp tốc.
Tôi cho rằng việc luyện thi cấp tốc không hẳn là xấu, là không hiệu quả. Nhưng nó chỉ hiệu quả khi học sinh đã nắm vững kiến thức cơ bản, khi đi học luyện thi là luyện các kỹ năng, thao tác làm bài cho chính xác, tránh thiếu sót, sai lầm mà thôi.
(Thầy Đ.T. - giáo viên dạy luyện thi môn toán vào lớp 10 ở quận Tân Phú, TP.HCM)
Nhiều học sinh mất căn bản
Đầu học kỳ 2 của năm học này, số lượng học viên lớp 9 ở trung tâm chúng tôi giảm hẳn so với năm trước. Nguyên nhân do thời kỳ dịch bệnh, nhiều phụ huynh gặp khó khăn về kinh tế nên không có tiền đóng học phí. Thêm nữa, do thời kỳ học online kéo dài nên nhiều học sinh bị mất căn bản, không nắm vững kiến thức.
Vì vậy, nhiều phụ huynh chọn con đường thuận tiện nhất là cho con học thêm với chính giáo viên đang dạy các cháu ở trường THCS để lấy lại căn bản môn học. Đến cuối tháng 4-2022, khi chúng tôi mở lớp luyện thi cấp tốc thì số lượng học viên có tăng lên.
Thế nhưng, một số phụ huynh khi đưa con đến học cũng nêu yêu cầu trung tâm giảng dạy để cho học sinh nắm căn bản trước rồi mới tính đến việc luyện thi.
(Một lãnh đạo của Trung tâm văn hóa ngoài giờ có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM)
TTO - Lý do khiến gần 10.000 học sinh lớp 9 ở TP.HCM không đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập là vì các em đã chọn lựa con đường học tập khác phù hợp hơn với hoàn cảnh gia đình và bản thân.
Xem thêm: mth.35292508040602202-01-pol-oav-iht-neyul-cot-gnat/nv.ertiout