Hai tuyển tập công phu của NXB Kim Đồng và vài tác phẩm viết cho thiếu nhi ra mắt gần đây - Ảnh: T.ĐIỂU - L.ĐIỀN
Trong buổi trao giải thiếu nhi Dế Mèn gần đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa vui mừng khi mùa giải tiếp tục phát hiện nhiều cây bút cho thiếu nhi mới và cả những tác giả nhí.
Nhưng đồng thời, ông cũng bày tỏ nỗi luyến tiếc về cái thời ông còn là một thần đồng thơ, đất nước có các nhà thơ nhí, các nhà văn nhí rất đa dạng, chưa kể rất nhiều tác giả lớn viết cho thiếu nhi rất thành công như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ... Sau này có thêm Nguyễn Nhật Ánh là cây bút viết cho trẻ em rất thành công.
"Cuộc chạy tiếp sức liên tục của văn học cho tuổi thơ"
Từ các tác giả trẻ như Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyệt Nguyên, Lê Quang Trạng, Hoa Cúc - Mel Mel... cho đến những tác giả có tiếng chuyển qua viết cho thiếu nhi ở tuổi ông bà, hay các em nhỏ viết cho chính thế hệ mình, phần lớn cho thấy một giọng tươi mới, thực sự trẻ thơ, thoát khỏi lối viết cũ đôi khi nặng giáo điều. PGS.TS Bùi Thanh Truyền gọi đây là "cuộc chạy tiếp sức liên tục của văn học cho tuổi thơ".
Trong khi đó, tại buổi tọa đàm giới thiệu hai tuyển tập 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi và 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng ngày 3-6, cũng có những ý kiến lo ngại về sự đứt gãy thế hệ các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi.
Liệu văn học thiếu nhi đang chứng kiến sự đứt gãy thế hệ hay các tác giả vẫn miệt mài và kiên nhẫn với niềm đam mê sáng tác cho các em và lạc quan về một giọng văn chương mới của thế hệ mình?
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Hồ Huy Sơn - tác giả tập thơ thiếu nhi Những ngọn đèn thơm - khẳng định anh không thấy sự đứt gãy thế hệ sáng tác cho thiếu nhi mà đang có sự tiếp nối, làm nên một dòng chảy văn học không thể thiếu trong đời sống văn chương nói chung.
Tác giả Hồ Huy Sơn kể ra những cái tên đồng nghiệp ở thế hệ 8X như Nguyễn Thị Kim Hòa, Văn Thành Lê, Võ Thu Hương, Phương Huyền, Trương Huỳnh Như Trân, Cao Nguyệt Nguyên, Bùi Tiểu Quyên...
Thế hệ 9X có Lê Quang Trạng, Huỳnh Trọng Khang, Dương Hằng... Ngoài ra là những cây viết nhí như Cao Khải An, Nguyễn Vũ An Băng được trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, và những tác giả nhí in sách như Nguyễn Khang Thịnh, Cao Việt Quỳnh, Minh Anh, Quỳnh Trần...
Thỉnh thoảng, lại xuất hiện thêm những tên tuổi mới mà tác phẩm của họ gây ngạc nhiên và thú vị như Dy Duyên với tác phẩm Cúc dại và tia nắng, Rosita Nguyễn với Trời xanh ngập nắng, hay gần đây là nhà báo Nguyễn Khắc Cường với truyện dài đầu tay Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch.
"Rõ ràng, chúng ta không cần phải lo ngại về lực lượng tham gia viết sách cho thiếu nhi; chưa kể, tôi còn cảm nhận ở họ sự sung sức và tràn đầy nhiệt hứng", Hồ Huy Sơn lạc quan.
Trở thành đứa trẻ khi viết
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (tác giả Tay chị tay em, Cút cà cút kít) cũng cho rằng chị không nghĩ đang có sự đứt gãy thế hệ sáng tác cho thiếu nhi. Có thể những sáng tác của nhiều cây bút viết cho thiếu nhi hiện nay không đạt được số lượng phát hành khủng như Nguyễn Nhật Ánh, nhưng vẫn có nhiều tác phẩm được các em yêu thích, nhiều tác phẩm hay.
Trong hoàn cảnh văn chương hiện nay phải cạnh tranh với nhiều phương tiện nghe nhìn vốn hấp dẫn công chúng hơn, gần đây vẫn liên tục xuất hiện những tác giả trẻ viết cho thiếu nhi rất sinh động, lại có thêm nhiều cây bút nhí được phát hiện.
Nhìn vào hiện thực đó, Nguyễn Thị Kim Hòa kỳ vọng với sự quan tâm của xã hội dành cho văn học thiếu nhi như các giải thưởng riêng cho văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn, các tổ chức khác, sắp tới văn học thiếu nhi sẽ khởi sắc hơn.
Với cá nhân chị, càng viết nhiều cho thiếu nhi, hiểu các em cần gì, chị càng yêu thêm con đường sáng tác cho thiếu nhi. Từng sáng tác song song cho cả thiếu nhi và người lớn, nhưng chị cho biết sẽ tập trung viết cho thiếu nhi nhiều hơn, "đi tới cùng với văn học thiếu nhi".
Nhà thơ Sâm Cầm (Hoa Cúc - tác giả tập thơ Con nít con nôi) cũng nhìn thấy một con đường văn chương đến với trẻ em bằng cách chính tác giả phải trở về là một đứa trẻ khi viết, "mỗi người viết chỉ cần là một đứa trẻ thôi, thế là tất cả những đứa trẻ khác sẽ được lợi lạc".
Theo chị, việc các em có nhiều cánh cửa sống động khác mở ra thế giới không gây khó cho việc viết sao để hấp dẫn các bạn nhỏ. Cái khó lại nằm ở chính người lớn - người viết không dành đủ thời gian, không đủ kiên nhẫn với thế giới của trẻ nhỏ. Trẻ em càng có nhiều cánh cửa để mở, để chơi thì người viết cho trẻ em càng có nhiều câu chuyện để kể.
"Quan trọng là chúng ta dành nhiều thời gian đi vào, ở trong thế giới ấy; lắng nghe, quan sát, trò chuyện với tụi nhỏ; chúng ta dành nhiều thời gian để trở về đứa trẻ bên trong mình, thì tất cả nít lớn - nít nhỏ đều trở thành bạn bè, và thế giới tuổi thơ chẳng bao giờ thiếu những câu chuyện hấp dẫn được kể ra bằng nhiều giọng thú vị", Sâm Cầm chia sẻ.
Nhìn vào danh sách các tác phẩm được tuyển chọn trong hai tuyển tập: 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi (nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn) và 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi (nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn), có thể thấy rõ ràng một dòng chảy tiếp nối, liền mạch của các thế hệ tác giả viết cho trẻ thơ.
Viết cho thiếu nhi đồng thời làm việc tại Kim Đồng - NXB dành riêng cho bạn đọc nhỏ tuổi có bề dày lịch sử, tác giả Văn Thành Lê quan sát đời sống văn học thiếu nhi đương thời khá sâu sát và nhận định lực lượng tác giả viết cho thiếu nhi hiện nay không những vẫn giữ được số lượng khá mà nhiều người còn thoát được lối cũ, bỏ đi những bài học răn dạy, giáo điều khô cứng, để bước vào một thế giới thực sự của trẻ thơ.
TTO - Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3 năm 2022 vinh danh cây bút nhí Nguyễn Vũ An Băng.
Xem thêm: mth.39091958040602202-cus-gnus-tub-yac-gnuhn-iod-ohc-ihn-ueiht-coh-nav/nv.ertiout