Máy cắt laser thép ống, thép hộp ở nhà máy cơ khí của THACO - Ảnh: L.TRUNG
Ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết cuối năm nay tỉnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đồ án quy hoạch hoàn chỉnh, trước khi trình sẽ có hội thảo cuối kỳ và dự kiến trong quý 1-2023, đồ án quy hoạch tỉnh được thông qua để làm căn cứ thực hiện.
Theo quy hoạch mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển toàn diện văn minh, hiện đại, mọi người dân thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả của xã hội Việt Nam.
Theo phương án phát triển ngành công nghiệp được tỉnh này trình tại hội thảo, Quảng Nam sẽ tập trung, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí trong một số lĩnh vực máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp. Phát triển khu phức hợp ôtô Chu Lai - Trường Hải tại khu công nghiệp Tam Hiệp, Tam Anh có quy mô ngang tầm khu vực. Đặc biệt, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, có thế mạnh của tỉnh và lan tỏa cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bao gồm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp, như dệt may, da giầy, hoá chất, nông nghiệp công nghệ cao… đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp.
THACO đầu tư mở rộng cảng Chu Lai, xây dựng bến cảng đón tàu 50.000 tấn - Ảnh: LÊ TRUNG
Tại hội thảo, ông Trần Bá Dương - chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) - cho hay khi doanh nghiệp này đầu tư ở Quảng Nam, việc đầu tiên doanh nghiệp khi sản xuất ở đây là đầu tư logistics, cảng biển và xây dựng cảng biển đón tàu 50.000 tấn.
Khi giải quyết được bài toán logistics, Quảng Nam sẽ trở thành một vùng sản xuất và hình thành vùng sản xuất ô tô.
Ông Dương cũng cho rằng một trong những ngành công nghiệp mang tính hỗ trợ, bổ trợ để phát triển các ngành công nghiệp khác tại tỉnh là ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Cố gắng làm sao để tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm giá thành...
Với vai trò là động lực trực tiếp góp phần tạo ra giá trị cho các ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp hỗ trợ những năm qua đã được Chính phủ khuyến khích phát triển bằng nhiều cơ chế, chính sách.