Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách The Forbes Under 30 Asia Class of 2022 (Những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2022). Năm 2022 đã ghi nhận con số kỷ lục với 4000 ứng viên được đề cử cho danh sách. Tuy nhiên chỉ có 300 cái tên được các phóng viên, giám khảo trong hội đồng thẩm định, đánh giá của Forbes xét duyệt và 90 người đã được vinh danh trong danh sách cuối cùng. Và chàng trai trẻ Lê Yên Thanh - CEO Phenikaa MaaS là một trong 5 đại diện của Việt Nam được Forbes Under 30 Châu Á vinh danh.
Lê Yên Thanh sinh năm 1994 tại An Giang, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Được biết, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chàng sinh viên này đã nghiên cứu thành công và tạo ra ứng dụng BusMap. Hiện nay, Lê Yên Thanh là Nhà sáng lập - CEO ứng dụng BusMap (hay Phenikaa MaaS).
Từ thời đại học, Lê Yên Thanh đã tỏ rõ sự yêu thích đối với những việc liên quan đến khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm mới hơn việc làm công nghệ trong những dự án nhỏ trong các công ty công nghệ lớn. Tuy nhiên, bản thân Thanh đã nhận thức được nguồn lực chưa đủ để khởi nghiệp nên sau khi tốt nghiệp đã đi làm tại startup khác để tự học hỏi trước rồi nâng dần độ khó. Bên cạnh đó, Thanh cũng đảm nhiệm những vai trò chức vụ cao hơn đó là từ một quản lý nhóm làm công nghệ rồi đến CTO, sau đó lại là CEO của những startup khác.
Lê Yên Thanh còn có thời gian làm việc tại nhiều startup cũng như thực tập tại Google Mỹ. Tuy nhiên không lâu sau đó đã lựa chọn từ bỏ cơ hội ở nơi xứ người để trở về và xây dựng BusMap trở thành mô hình doanh nghiệp một cách nghiêm túc.
CEO Lê Yên Thanh và các cộng sự Phenikaa MaaS được coi là đội ngũ nhân sự tài năng, khát vọng cống hiến góp phần đem lại cuộc sống thông minh, tốt đẹp hơn.
Kể về quá trình gặp gỡ ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa, Thanh chia sẻ, trong quá trình mang ứng dụng BusMap tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp và gặp gỡ các nhà đầu tư tại Nhật Bản, Thanh có quen anh Lê Anh Sơn, Viện Phó Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa thuộc Tập đoàn Phenikaa. Tháng 2/2020, anh Sơn có gọi điện và hỏi Thanh có muốn đưa ứng dụng BusMap lớn mạnh hơn nữa hay không. Và sau cuộc điện thoại đó, đã có cuộc gặp gỡ "định mệnh" với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa Hồ Xuân Năng.
Lý do Thanh chọn Phenikaa là bởi vì ngoài việc được đầu tư về mặt tài chính, Thanh và startup của mình được Tập đoàn hỗ trợ về mặt nhân sự, công nghệ và hệ thống.
Bằng sự hỗ trợ về nhiều mặt từ Tập đoàn Phenikaa, Lê Yên Thanh và đội ngũ đã xây dựng được mô hình kinh doanh có thể thu lợi nhuận. Công nghệ bản đồ của CEO 9x này được áp dụng vào quản lý xe buýt cho trường học, phát triển thành phố thông minh. Còn đối với B2B, Phenikaa MaaS đã có những khách hàng lớn như VinBus, Grab cùng một số doanh nghiệp tại Cảng Đà Nẵng và mảng B2G có Tp. HCM và Đà Nẵng. Thậm chí, startup này còn nhận được những hợp đồng từ khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên thì với ứng dụng BusMap, chàng CEO Lê Yên Thanh đã kiên quyết và khẳng định sẽ luôn miễn phí cho người dùng. Trong 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, Phenikaa MaaS đã dùng chính công nghệ bản đồ của mình để hỗ trợ cho việc triển khai xe buýt bán thực phẩm lưu động, đặc biệt là bản đồ dịch tễ COVID-19.
Vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, Công ty đã triển khai cho Đà Nẵng, Hải Dương khi hai địa phương này trở thành tâm điểm của đại dịch COVID-19. Thời gian sau đó, một vài tỉnh thành khác cũng biết đến và muốn triển khai bản ứng dụng COVID Map. Theo đó, Tập đoàn Phenikaa và Phenikaa MaaS đã quyết định tài trợ miễn phí bản đồ cho các địa phương đó.
Khi được hỏi về khả năng cạnh tranh của Phenikaa MaaS trong lĩnh vực giao thông thông minh, Thanh cho rằng, điểm mạnh đầu tiên của công ty là đội ngũ nhân sự trẻ, khả năng nghiên cứu nhanh những công nghệ mới, tinh thần khởi nghiệp giúp thích ứng nhanh với thị trường. Điểm mạnh tiếp theo là khả năng tùy biến yêu cầu của khách hàng trong khoảng thời gian ngắn dựa trên công nghệ lõi đang sở hữu.
Nói về việc phát triển lĩnh vực thành phố thông minh/giao thông thông minh, Thanh cho rằng, đây là một lĩnh vực khó, không thể xây dựng xong trong "một sớm một chiều" và mỗi tỉnh, thành lại có những bài toán khác nhau và mang tính đặc thù riêng cần giải quyết. Trong đó, quan trọng nhất là yếu tố lấy con người làm trung tâm. Phải xây dựng sản phẩm đơn giản nhất để bất kì người dân nào cũng có thể sử dụng một cách dễ dàng, nhất là những người lớn tuổi, ít am hiểu công nghệ, để có thể tận dụng những lợi ích mà thành phố thông minh đem lại.
Theo Linh Nga
Diễn đàn Doanh nghiệp