Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ lô hàng - Ảnh: T.Y.
Trưa 4-6, đoàn liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (Chi cục Chăn nuôi - thú y TP.HCM) lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Thế Long (31 tuổi, ngụ Đồng Nai) về hành vi vận chuyển 70 con heo thịt từ kho trung chuyển C.P. thuộc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, Đồng Nai) không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Thú y nghỉ phép vẫn cấp giấy?
Trước đó tối 3-6, trong quá trình phúc kiểm lô heo thịt chở trên xe tải 83H - 004xx, cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (TP Thủ Đức) cùng Đội CSGT Bình Triệu phát hiện sai số lượng ghi trong giấy kiểm dịch (65 con nhưng chở 70 con).
Lô heo đang được niêm phong để phục vụ công tác xác minh, xử lý - Ảnh: T.Y.
Tiếp tục kiểm tra giấy kiểm dịch số 21079227 do Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cấp ngày 3-6 cho ông Hoàng Thế Long, do kiểm dịch viên Trần Quang Huy ký, các cán bộ thú y phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường, nghi giả mạo.
Cụ thể sai thông tin trên giấy kiểm dịch gốc, sai chữ ký kiểm dịch viên so với công bố và dây niêm phong không phải do Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cấp.
Qua xác minh trao đổi với kiểm dịch viên Trần Quang Huy, các cán bộ thú y của Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp được biết ông Huy đang nghỉ phép (từ ngày 26-5 đến nay) và không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho phương tiện nêu trên và chữ ký ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch là giả mạo.
Giấy chứng nhận kiểm dịch giả lấy từ Công ty C.P?
Giấy chứng nhận kiểm dịch được xác định làm giả, mạo danh cả cán bộ thú y - Ảnh: T.Y.
Theo Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp, qua xác minh lô heo thịt 70 con được một thương lái mua từ Kho trung chuyển C.P. thuộc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam lúc 21h35 ngày 3-6 với tổng trọng lượng hơn 7,7 tấn. Quá trình xác minh, cơ quan thú y xác định có nhiều bất thường về nguồn gốc của giấy chứng nhận kiểm dịch.
Cụ thể, theo tường trình của tài xế chở heo, dây niêm phong và giấy chứng nhận kiểm dịch được lấy từ kho trung chuyển heo C.P. (Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam) tại Biên Hòa (Đồng Nai) thông qua đại diện chủ lô hàng là ông Hoàng Thế Long.
Còn theo tường trình của ông Long, giấy chứng nhận kiểm dịch được một người tên Nhung - làm việc tại kho của C.P. - đưa và yêu cầu ông ghi tất cả các thông tin lô hàng, số kiểm dịch, sau đó chuyển cho tài xế chở hàng về Sóc Trăng.
Đoàn liên ngành đang tiến hành liên hệ với người tên Nhung để xác minh các thông tin liên quan, đồng thời sẽ có công văn đề nghị Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai kiểm tra làm rõ.
Bỏ xử phạt hành vi sử dụng giấy kiểm dịch giả: ảnh hưởng công tác phòng chống dịch
Theo khoản 3 điều 12 nghị định 119/2013/NĐ-CP về xử phạt chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi quy định đối với hành vi vi phạm sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giả bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Tuy nhiên đến năm 2017 nghị định 90/2017/NĐ-CP lại bãi bỏ rất nhiều điều - khoản, trong đó có hành vi vi phạm sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giả.
Hành vi vi phạm trong chính lĩnh vực quản lý không thể xử phạt, do đó Chi cục Chăn nuôi - thú y TP.HCM sẽ chuyển hồ sơ cho Công an TP Thủ Đức, nơi phát hiện hành vi vi phạm, đề nghị xử lý hành vi làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức.
"Việc bỏ xử phạt giấy giả sẽ phát sinh việc làm giả, điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng khi phát sinh dịch bệnh hoặc gặp sự cố về ATTP sẽ không có cơ sở truy xuất được nguồn gốc, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch" - một cán bộ có chức trách nói.
Theo vị này, hiện nay tại TP.HCM trừ hộ chăn nuôi và cơ sở giết mổ có kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch đến, còn lại tất cả các điểm đến khác gần như không có kiểm tra nên tình hình làm giấy giả sẽ có chiều hướng gia tăng.
TTO - 500 con heo sống nhập khẩu từ Thái Lan, nặng 90-130kg/con, được vận chuyển bằng đường bộ qua Lào rồi nhập cảnh ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và về Nghệ An.