Mảnh đất khô cằn, nghèo nàn tài nguyên
Năm 1913, Israel còn là một vùng đất hoang vu, vô cùng hạn chế về tài nguyên thiên nhiên. Chiếm tới hơn 50% diện tích đất liền tự nhiên của quốc gia này là hoang mạc Negev (khoảng 12.000 km²). Do đó, dễ hiểu khi tài nguyên nước là vô cùng quan trọng đối với quốc gia này. Theo tính toán, 70% lượng nước mưa trung bình của Israel nằm trong khoảng từ tháng mười một đến tháng ba nhưng lượng mưa rải rác và số lượng rất ít. Càng gần sa mạc Negev, lượng mưa hàng năm càng thưa thớt, dưới 100 mm mỗi năm. Thời điểm tháng sáu đến tháng 8, đất nước này không được bổ sung tài nguyên nước tự nhiên vì hoàn toàn không có một hạt mưa nào.
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như vậy, rất dễ hiểu khi Israel từng là nước phải nhập khẩu một lượng lớn lương thực, ngũ cốc (xấp xỉ 80% nhu cầu trong nước). Tuy nhiên, với các chính sách điều hành của Chính phủ, phát minh thành công các sáng kiến khoa học công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngày nay, ngoài việc tự chủ được lương thực, hàng năm, Israel xuất khẩu hơn 1,3 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp, ngoài ra còn xuất khẩu 1,2 tỷ USD các sản phẩm và công nghệ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp sang các nước khác. Nông nghiệp cũng là ngành thu hút 2,7 triệu việc làm (chiếm 31,8% tổng dân số) cho người dân, đóng góp 2,8% GDP của cả nước. Bên cạnh đó, Israel cũng là nước xuất khẩu hàng đầu về các thực phẩm được trồng trong nhà kính.
Tham tán thương mại Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, ông Gal Saf chia sẻ tại Hội thảo “Nông nghiệp thông minh- Xu hướng và giải pháp” về những bí quyết tạo nên điều thần kỳ cho nông nghiệp nước này.
“Xác định phát triển nông nghiệp là mục tiêu tối thượng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để kích thích đầu tư. Chúng tôi sẵn sàng chi trả những khoản phí cao để đổi lấy lợi ích lâu dài, phát triển đất nước theo hướng bền vững với những hoạch định cho tương lai xa”.
Theo ông Gal Saf, để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, hiểu rõ tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ngay từ năm 1921, Israel đã thành lập Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Volcani hoạt động dưới sự bảo trợ của Chính phủ. Trung tâm nghiên cứu này có nhiệm vụ tiếp nhận các yêu cầu từ chính những người nông dân và doanh nghiệp ngành nông nghiệp, từ đó nghiên cứu, tìm ra các giải pháp tối ưu rồi chuyển giao ngược trở lại để ứng dụng vào các hoạt động sản xuất.
“Ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật giúp các doanh nghiệp và người nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, Chính phủ thu được nguồn thuế, tiếp tục tài trợ cho các Viện nghiên cứu. Vòng tuần hoàn trong nông nghiệp như vậy đem lại lợi nhuận rất cao. Nền tảng nông nghiệp hiện nay của Israel gắn chặt trong sự liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nông dân và các doanh nghiệp)”, Tham tán thương mại Israel nhận định.
7 thành tựu lớn nhất của nông nghiệp Israel
Do thiếu thốn, Chính phủ và người dân Israel luôn coi nguồn nước tự nhiên là tài sản cần được trân trọng và bảo tồn. Trong hàng thập kỷ, nhiều công trình nghiên cứu nhằm tái tạo nguồn nước đã đem lại những sự thay đổi lớn lao cho mảnh đất này. Ngày nay, 70% lượng nước ngọt Israel sử dụng bắt nguồn từ việc khử mặn nước biển nhưng điểm nổi bật nhất là các phát kiến sử dụng nước một các khoa học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Công nghệ tưới nhỏ giọt được kỹ sư tài nguyên nước Simcha Blass phát minh ra từ những năm 50 của thế kỷ trước đã đem đến một cuộc cách mạng thực sự cho nền nông nghiệp “thiếu nước” của Israel. Công nghệ tưới này sử dụng một loại ống dẫn nước có các đầu tưới nhỏ từng giọt theo tỷ lệ tối ưu đối với từng loại cây trồng. Ưu điểm của phương pháp tưới này là kích thích khả năng tăng trưởng trên thực vật đồng thời sử dụng nước vô cùng tiết kiệm và hiệu quả.
Đến ngày nay, người Israel đã phát minh thêm một công nghệ nữa là hệ thống tưới khay Tal-Ya, sử dụng các khay nhựa răng cưa bao quanh gốc cây để thu thập sương, hơi nước từ không khí rồi tưới thẳng vào rễ cây, giúp giảm 50% lượng nước tưới đồng thời làm tăng hiệu quả tưới lên đến 27 lần. Đối với mỗi loại cây trồng khác nhau, các nhà khoa học sẽ đưa cảm biến vào bộ phận rễ cây từ đó tính toán ra được lượng nước tối ưu, cần thiết cho sự phát triển để áp dụng lưu lượng tưới cho phù hợp.
Đây là hai công nghệ tưới vô cùng hữu hiệu, đáng để nhân rộng tại Việt Nam, nhất là tại các khu vực thường xuyên đối mặt với khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, thiếu nước tưới như khu vực miền Trung của nước ta.
Vấn đề bảo quản nông sản sau thu hoạch nhằm tránh hư hỏng do thời tiết hay động vật có hại luôn là bài toán khó đối với người nông dân. Để giải quyết vấn đề này, các kỹ sư nông nghiệp Israel đã đưa ra một giải pháp đơn giản và cực kỳ ít tốn kém, kén tồn trữ lương thực. Đó là một chiếc túi nhựa khổng lồ được hút chân không, bao kín lượng lương thực đã được sấy khô, cách ly chúng ra khỏi tất cả những nhân tố gây thiệt hại như hơi ẩm và côn trùng. Không có không khí trong chiếc túi, không sinh vật nào có thể sống sót, kể cả những loại trứng côn trùng không may còn lẫn trong ngũ cốc. Nhờ đó, công tác bảo quản nông sản sau thu hoạch đạt được hiệu quả cao nhất.
Xây dựng một nền nông nghiệp xanh và bền vững, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí sản xuất, Chính phủ Israel hướng tới “công nghệ sinh học thiên địch”, khuyến khích sử dụng phân bón sinh học hữu cơ được sản xuất từ chính những phế phẩm nông nghiệp hay các ngành phụ trợ khác.
Các kỹ sư Israel sẽ lai tạo ra các giống côn trùng chuyên biệt, có ích nhằm kiểm soát sâu bệnh tuân theo các nguyên lý sinh thái học tự nhiên. Điển hình như giống ong vò vẽ chuyên thực hiện thụ phấn tự nhiên trong môi trường nhà kính. Các phương pháp này đã giúp giảm lượng thuốc trừ sâu hóa học lên đến thuốc trừ sâu hóa học 75% mà không hề ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Nông nghiệp thông minh, có thể nói, 95% thành công trong lĩnh vực nông nghiệp của Israel là nhờ khoa học, chỉ có 5% xuất phát từ sức lao động của con người. Từ lâu, người nông dân đã biết ứng dụng các mô hình canh tác như nuôi trồng trong nhà kính, sử dụng công nghệ IoT (Internet of Things), tự động hóa…đem lại hiệu quả cao nhất.
Nổi bật trong đó là Hệ thống Kiến thức nông nghiệp trực tuyến (Agricultural Knowledge On-Line (AKOL), đây là một hệ thống tương tác trực tuyến trên toàn cầu, nó liên kết kho dữ liệu về kiến thức nông nghiệp, các chuyên gia và nông dân để giải quyết bất cứ một vấn đề gì trong nông nghiệp. Mọi nông dân có thể truy cập vào hệ thống, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm và yêu cầu sự giúp đỡ, tư vấn phương pháp, giải pháp nông nghiệp từ các chuyên gia hàng đầu, các nhà sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp cho vấn đề của họ.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đã đem đến những thành tựu to lớn. Các ứng dụng R&D có định hướng nông nghiệp đã được tiến hành tại Israel từ đầu thế kỷ 20, nguồn kinh phí dành cho R&D chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.