Sáng 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều thống nhất nhận định, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, lạm phát, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá dầu tăng cao nhưng tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Các ý kiến tại phiên họp đánh giá: trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 57% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,6% nền kinh tế xuất siêu 516 triệu USD; chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng hơn 8% và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, trong 5 tháng có gần 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại, cao nhất từ trước đến nay, còn khách quốc tế tăng tới 350%. Các chỉ số cho thấy quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế từ 15/3 là đúng đắn, kịp thời.
Hình minh họa.
Đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành gần 81 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Các ý kiến cũng đánh giá, chúng ta đã tổ chức rất thành công, an toàn SEA Games 31. Việt Nam cũng là 1 trong 2 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng "ổn định". Trong tháng 5, Việt Nam cũng đã tăng 48 bậc, từ thứ 62 lên thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei Asia nhờ các kết quả kiểm soát dịch bệnh, bao phủ vaccine và mở cửa, phục hồi nền kinh tế. Đây là mức tăng lớn nhất trong các quốc gia.
Sau khi nghe 13 ý kiến thảo luận sôi nổi, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh có được những kết quả tích cực nói trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Những kết quả này cũng góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức liên quan đến tình hình thế giới, dịch bệnh, lạm phát tăng mạnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng, giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp... Sau khi chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó là một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, chủ động giải quyết công việc, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Nội vụ xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022. Ảnh: VGP.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm vaccine theo các mục tiêu Chính phủ đề ra. Cùng với đó, theo dõi sát, nắm chắc tình hình quốc tế về rủi ro lạm phát, giá cả, chuỗi cung ứng, chi phí đầu vào để có giải pháp phù hợp; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, văn bản, chính sách nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, điểm nghẽn về quy hoạch, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, là trong triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề phân cấp cho các địa phương và chỉ định thầu, các vấn đề liên quan tới vật liệu xây dựng, đất rừng, đất lúa... mà nhiều địa phương kiến nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện đồng bộ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu. Về cổ phần hóa doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần đánh giá lại tình hình thực tiễn và việc triển khai thời gian qua, xây dựng chương trình, mục tiêu, giải pháp phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thúc đẩy công tác này bảo đảm hiệu quả, đưa các doanh nghiệp phát triển, không thất thoát tài sản nhà nước, không mất cán bộ.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chuẩn bị tốt các hoạt động tri ân Ngày Thương binh-Liệt sĩ; tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Đặc biệt lưu ý một số vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác khám chữa bệnh, quán triệt tinh thần ai làm tốt, có công thì động viên, tôn vinh, khen thưởng, ai làm sai phải xử lý. Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Bộ Giáo dục và đào tạo cân nhắc kỹ càng, rất thận trọng việc xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên, đảm bảo cuộc sống của người dân trong lúc đang gặp khó khăn. Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh. Đây cũng là vấn đề các đại biểu Quốc hội rất quan tâm.
Về môn học lịch sử, ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo và các bộ ngành có liên quan lắng nghe các ý kiến của người dân, các nhà sử học, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, tổng kết thực tiễn với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, trách nhiệm trên cơ sở đó tiếp thu ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp, vấn đề gì không phù hợp thì phải nghiên cứu, điều chỉnh ngay.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời, tập trung xử lý các vấn đề, dự án tồn đọng, yếu kém kéo dài trong nhiều năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.235700240602202-cuv-hnil-cac-nert-cuc-hcit-auq-tek-tad-gnaht-5-et-hnik/et-hnik/nv.vtv