Ngày 4-6, hành khách ở Tân Sơn Nhất than thời gian chờ đợi bay gấp đôi thời gian hành trình bay của họ do hãng hoàn chuyến kéo dài - Ảnh: CÔNG TRUNG
Các đơn vị hàng không nêu nhiều lý do trễ chuyến, song lỗi do khai thác như máy bay đến trễ, trục trặc hệ thống check-in... cần được khắc phục và giải quyết tình huống một cách linh hoạt.
Ùn ứ nhiều giờ tại sân bay
Liên tiếp trong những ngày gần đây, nhiều hành khách đi máy bay của Hãng Vietjet Air rơi vào tình cảnh đợi chờ rất lâu mới check-in xong và sau đó là đợi chờ lâu không kém để lên máy bay rồi tiếp tục chờ từ máy bay xuống xe trung chuyển vào nhà ga.
Cao điểm của việc ùn ứ với các chuyến bay Vietjet diễn ra trong ngày 3 đến 4-6, khi hành khách ở nhiều sân bay bức xúc vì bị kéo dài thời gian làm thủ tục, thời gian chờ lên máy bay và từ khi máy bay hạ cánh đến lúc ra xe về sảnh ra vào sân bay.
Sáng 4-6, hệ thống check-in online và kiôt check-in của hãng này tại sân bay "tắt đài", phải dồn khách qua check-in tại quầy khiến nhiều hành khách than trời.
Hàng loạt chuyến bay bị chậm giờ, ảnh hưởng dây chuyền đến lịch khai thác ở các sân bay nội địa trên cả nước. Nguyên nhân theo Hãng Vietjet là do hệ thống máy chủ phục vụ mạng check-in đặt tại Canada bị lỗi, hàng chục chuyến bay tối 3 đến trưa 4-6 đều chậm khởi hành. Đến 14h ngày 4-6, Vietjet thông báo đã khắc phục xong lỗi hệ thống và gửi lời xin lỗi đến khách hàng.
Tuy nhiên, theo thông tin của Tuổi Trẻ tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cam Ranh, tới 17h cùng ngày tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể tại sân bay Tân Sơn Nhất, Vietjet đã thực hiện được 43/107 chuyến đi quốc nội.
Do đó, tình trạng các chuyến bay trong ngày tiếp tục chậm nhiều, ảnh hưởng đến hành trình đi lại của khách hàng. Tại sân bay Cam Ranh, nhiều hành khách do bức xúc vì chờ đợi lâu đã to tiếng và đồng thanh hô "bay liền" tại quầy làm thủ tục của hãng để phản đối.
Đây là một trong những sự việc điển hình dẫn đến lo ngại tình trạng trễ chuyến kéo dài của các hãng trong dịp cao điểm hè sắp tới. Nhiều hành khách và đơn vị vận hành sân bay tỏ ra lo lắng trước nguy cơ ùn ứ kéo dài và dây chuyền tại sân bay nếu các hãng hàng không chưa tìm ra giải pháp khi mùa cao điểm du lịch bắt đầu.
Chị Minh Hằng, nhân viên công ty ở Đồng Nai, đáp chuyến bay từ Hà Nội - TP.HCM, giờ bay ban đầu 17h nhưng bị hoãn đến 21h. Sau 2 tiếng cho hành trình bay, máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất nhưng phải chờ đến 30 phút mới có xe thang và 2 xe buýt chạy tới đón.
"Bình thường máy bay đáp là có xe thang, xe buýt sẵn sàng giải tỏa khách. Tôi đi vài chuyến bay gần đây, tình trạng này lặp lại y chang. Tiếp viên phải thông báo xin lỗi khách chưa thể xuống máy bay do chờ xe thang chưa tới. Rõ ràng có gì đó không ổn" - chị Hằng nghi vấn.
Giám sát lịch khai thác, tăng cường nhân sự
Có mặt tại nhà ga quốc nội để trực tiếp xử lý giải tỏa ùn ứ ngày 4-6, ông Nguyễn Nam Tiến - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết sân bay đã chủ động hỗ trợ hãng bay mở thêm các cửa khởi hành, thậm chí cho khách từ sảnh B (khu vực Vietjet) qua sảnh A (khu vực Vietnam Airlines, Bamboo Airways...) làm thủ tục an ninh, tránh tình trạng dồn ứ tại sảnh check-in.
Về lịch khai thác, ông Tiến cho biết đã tiến hành trải dài các khung giờ, tránh tình trạng tập trung quá nhiều chuyến bay trong vài khung giờ cao điểm.
Sân bay đã mở rộng thêm 4 cửa ra máy bay ở khu vực sảnh B song vẫn chưa được đưa vào khai thác do chờ quy trình thẩm định, cấp phép của cơ quan chức năng.
Theo quan sát của phóng viên, cơ sở hạ tầng đã hoàn tất; ghế ngồi, hệ thống máy tính, đèn bảng hiệu... đã đồng bộ. Dù vậy, ở một số thời điểm để "cứu nguy" việc khách quá đông ở sảnh chờ, sân bay đã chủ động mở cửa khu vực mới để giải tỏa tạm thời.
"Chúng tôi rất trông đợi cơ quan chức năng đẩy nhanh quy trình thẩm định, cấp phép để sân bay đưa vào khai thác. Nếu bổ sung thêm 4 cửa ra máy bay thì sẽ bổ sung năng lực phục vụ rất nhiều, khách cũng bớt vất vả" - ông Tiến nói.
Một trong những nguyên nhân mà các đơn vị hàng không lo lắng hiện nay là việc tăng tần suất khai thác không tỉ lệ thuận với chất lượng phục vụ. Tức hãng bay tăng tần suất đột ngột, trong khi dịch vụ đi kèm phục vụ các chuyến bay không kịp trở tay đáp ứng.
Theo tìm hiểu, nguồn nhân sự của các đơn vị hàng không đang gặp khó khăn. Các công ty ráo riết tuyển dụng, song tỉ lệ nghỉ việc trong đợt dịch vừa qua khiến nguồn nhân lực không theo kịp đà phục hồi của hàng không.
"Cứ tính đơn giản, bình thường một hãng khai thác quốc nội mỗi ngày khoảng 80 chuyến. Đột ngột tăng lên 100 - 110 chuyến/ngày, vấn đề trao đổi để chuẩn bị nguồn lực vẫn chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng khó cho cả đôi bên. Co kéo phục vụ được nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách" - một lãnh đạo doanh nghiệp hàng không chia sẻ.
Ông Nguyễn Nam Tiến khẳng định đơn vị này sẽ tăng cường phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Nam giám sát chặt chẽ tần suất khai thác của các hãng trong thời gian tới, đảm bảo hoạt động ổn định trong dịp cao điểm, hạn chế thấp nhất tình trạng chậm chuyến.
Nghẽn hệ thống làm thủ tục chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất
Theo phản hồi của Vietjet Air, bước vào mùa hè, sau những ngày dài của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao đột biến dẫn tới quá tải các hệ thống dịch vụ tại sân bay. Ngày 3-6, do nghẽn hệ thống máy tính kết nối giữa hãng hàng không và sân bay Tân Sơn Nhất cùng với ảnh hưởng của thời tiết xấu, một số chuyến bay đến và đi từ TP.HCM của Vietjet phải thay đổi kế hoạch khai thác.
Ngay khi phát hiện nghẽn hệ thống, hãng hàng không đã phối hợp với các bên liên quan khẩn trương khắc phục, hỗ trợ khách hàng. Đến 10h sáng 4-6, hệ thống đã hoạt động bình thường.
TTO - Tối 3 rạng 4-6, nhiều chuyến bay của Vietjet đều hoãn, khách hàng ngồi chờ la liệt ở sảnh nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất. Một số thời điểm, nhân viên phải check-in thủ công. Chuyện gì đang xảy ra?
Xem thêm: mth.73504532240602202-gnor-neid-u-nu-yab-nas-neyuhc-mahc-ar-yax-cut-neil/nv.ertiout