Cổng chính vào trường Dục Thanh |
Trường Dục Thanh tọa lạc ở làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Trường nằm kề bên bờ sông Cà Ty của TP Phan Thiết.
Theo cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận, trường có bề dày hơn 100 năm gắn liền với lịch sử. Ngôi trường này được xem là cái nôi đầu tiên của tri thức Việt nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân mà Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.
Trường Dục Thanh được thành lập năm 1907 |
Trường còn gọi là Dục Thanh Học Hiệu nghĩa là giáo dục các thanh thiếu niên. Mục đích của trường là giúp con em của những lao động nghèo được đi học, nhằm nâng cao dân trí nước nhà.
Năm 1910, nhờ sự giới thiệu của ông Trương Gia Mô, bạn của cụ Nguyễn Sinh Sắc, Bác Hồ đã về dạy học tại trường Dục Thanh. Bác là người thầy giáo trẻ tuổi nhất ở trường. Bác dạy chữ Quốc Ngữ và Hán Văn là chủ yếu. Thời gian rảnh, bác còn dạy thể dục, dẫn các học trò đi du ngoạn các địa điểm nổi tiếng ở Phan Thiết. Đồng thời, truyền bá tinh thần yêu nước, tinh thần hiếu học cho các học trò của mình.
Tháng 2-1911, Bác Hồ rời trường vào Sài Gòn, chuẩn bị cho việc tìm đường cứu nước. Cũng cuối năm đó, ông Nguyễn Quý Anh phải chuyển vào Sài Gòn và vì một số lý do khách quan nên trường đóng cửa.
Trường Dục Thanh được xây dựng cuối năm 1907 do ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh là hai người con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông khởi xướng.
Nhà Ngự, nơi ở của các thầy và học trò ở xa đến học. |
Trường có 2 dãy nhà lớn được dùng làm phòng học. Một căn nhà nhỏ có lầu gọi là Ngoạ Du Sào là nơi để tiếp khách, làm thơ, bàn việc. Ngoài ra, còn có nhà Ngự là nơi ở của các thầy và học trò ở xa đến học.
Đặc biệt, Ngọa Du Sào, là ngôi nhà được xây dựng vào năm 1880 của cụ Nguyễn Thông. Vào những năm cuối đời cụ Nguyễn Thông ở tại căn nhà này ngâm thơ bình văn và luận bàn công việc với các sĩ phu yêu nước.
Lối vào Ngọa Du Sào |
Lúc ở trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường đọc sách, soạn bài ở Ngoạ Du Sào. Ngôi nhà này cũng được tu bổ lại, hiện vật bên trong bị xáo trộn và mất mát khá nhiều. Một số hiện vật được phục dựng lại nhưng vẫn còn 4 hiện vật gốc được lưu giữ tại đây. Bao gồm: Bộ ván, án thư, thang gỗ và tủ đứng.
|
Bộ ván và án thư. |
Bộ ván còn nguyên vẹn đến ngày nay |
Thang gỗ gia đình cụ Nguyễn Thông thường dùng |
Tủ đứng đựng quần áo và tài liệu |
Ngoài 4 hiện vật gốc của gia đình cụ Nguyễn Thông còn được lưu giữ đến ngày nay, trong khuôn viên trường Dục Thanh vẫn còn nguyên vẹn giếng nước nhỏ nhắn được xây bằng gạch ở phía sau Ngọa Du Sào. Cây khế cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn 100 năm gần giếng nước vẫn xanh tốt, um tùm hoa lá.
Giếng nước nhỏ nhắn phía sau Ngọa Du Sào |
Cây khế, do cụ bà Nguyễn Thông trồng cách đây hơn 100 năm. Thời gian dạy học tại Trường Dục Thanh thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường chăm sóc và tưới nước cho cây khế này. |
Gian thờ nhà trí thức yêu nước Nguyễn Thông, bên trong trường Dục Thanh. |
Khuôn viên xanh mướt ở trường Dục Thanh |
Bảng tóm tắt lịch sử trường Dục Thanh |
Năm 1978, trường Dục Thanh được trùng tu, phục dựng lại, đến năm 1980 hoàn thành, trở thành Di tích Dục Thanh, là nơi tham quan, học hỏi cho người dân và đặc biệt là thanh thiếu niên.
Di tích trường Dục Thanh được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 12/12/1986.