Đây là những cá nhân tiêu biểu từng xây dựng sự nghiệp vang dội, mà bài học từ cuộc đời hoạt động của họ đến nay vẫn không ngừng được tìm hiểu: Lương Văn Can, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Háo Vĩnh, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh.
Những nhân vật sách này lại xuất hiện trên dòng chảy lịch sử hiện đại Việt Nam vào một giai đoạn then chốt: xã hội trở mình từ những rệu rã của phong kiến cũ xưa sang tiếp nhận tinh thần văn minh phương Tây trong nhiều phương diện.
Cho nên, lúc bấy giờ mới có những Lương Văn Can kêu gọi phát triển doanh thương, xây dựng hình ảnh khách quan và tích cực cho những nhà doanh nghiệp Việt Nam nhằm xóa đi cái nhìn định kiến về "con buôn" đã tồn tại khá lâu trong tâm não người Việt.
Và theo đó là Trần Chánh Chiếu đã từ tư tưởng doanh thương của Lương Văn Can phát triển thành hoạt động "thực nghiệp doanh thương" với những thương hiệu như "xà bông Cô Ba", "xà bông Con Vịt" khẳng định vị thế trên thương trường lúc bấy giờ cho thấy sự năng động và hùng tâm tráng chí của giới kinh doanh sản xuất Việt Nam cũng xứng đáng để đương đầu - gặp gỡ có qua có lại - với luồng gió mới đến từ thị trường kỹ nghệ Âu Tây.
Bằng thao tác khảo cứu công phu từ các nguồn tài liệu nghiêm túc, tác giả Trần Bảo Định khéo léo chỉ ra đặc điểm chung xuyên suốt thông qua các nhân vật được "chọn" ở tập sách này là: máu kinh doanh gắn liền với thái độ trí thức và tinh thần giáo dục cộng đồng.
Không chỉ Lương Văn Can tạo dựng phong trào từ những trang xã luận, mà Trần Chánh Chiếu vừa làm nhà buôn vừa làm chủ bút hai tờ báo Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn.
Đây cũng là đặc điểm rất quan hệ, cho thấy truyền thống làm kinh tế báo chí cũng như truyền thông báo chí gắn với giới kinh doanh là một hoạt động có từ rất sớm trên thị trường Nam Kỳ cùng với những tên tuổi như vậy.
Và đến những hoạt động của Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh thì tinh thần doanh thương đã nhập vào với ý chí yêu nước và việc sử dụng văn chương, báo chí, và những giờ diễn thuyết trước thanh niên như một phương tiện đương nhiên để gắn kết xã hội.
Khối nhân quần như vậy không chỉ gặp nhau ở một lý tưởng cao đẹp, mà hơn hết là đánh động mọi người về ý thức làm công dân độc lập tự chủ trên một bối cảnh xã hội đang nhộn nhịp giao lưu đông tây.
Khi cái mới lạ từ bên ngoài đến va chạm với nền tảng xưa cũ bên trong, người dân Việt vừa háo hức tìm hiểu vừa dè dặt trông chừng, để rồi đặt niềm tin vào những con người đi tiên phong trong thời buổi ấy.
Dấu thời gian chỉ là một cách nói có tính gợi nhắc, tập sách bên cạnh những thiên khảo cứu còn có một phần sáng tác thú vị gồm những truyện ngắn và tạp bút.
Đây là chỗ tác giả Trần Bảo Định như tự đặt mình vào bối cảnh của người xưa, hóa thân vào con người và câu chuyện thời nhãn hiệu xà bông Cô Ba ra mắt, lần theo dấu chân của người chí sĩ Tạ Thu Thâu, chứng kiến những thăng trầm trong cuộc đời Nguyễn An Ninh... và viết lại thành những truyện ngắn, như một cách cảm thấu lịch sử.
Nhà văn Nguyên Ngọc trong tập hồi ký mới đây từng đặt ra một câu hỏi, mà phân nửa câu hỏi ấy là: "Tại sao hồi đầu thế kỷ 20 chúng ta lại có được một thế hệ những người khổng lồ như vậy, trong văn hóa, tức là ở cái nền tảng cơ bản nhất của tất cả?".
Câu hỏi này sẽ vẫn là một vấn đề để ngỏ, và các thế hệ người Việt hôm nay có thể tìm thấy câu trả lời từ cuộc sống, bắt đầu bằng các gợi mở có tính cách dẫn đường như tập sách đáng quý này.
TTO - Tôi đã hơn một lần viết về Trần Bảo Định và đến nay đã có thêm mấy luận án viết về tác phẩm của anh. Vậy mà đọc 'Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa' bất ngờ thấy Trần Bảo Định trổ 'chiêu' mới độc đáo, lại khó ngồi yên!