"Tại sao bây giờ lại nhiều vi phạm, sai phạm như vậy?" và "làm thế nào để chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới?".
Thời gian qua không chỉ những người trong ngành y mà bất cứ người dân nào cũng buồn, không lấy làm vui khi liên tiếp có nhiều cán bộ y tế cả trung ương và địa phương bị bắt, bị kỷ luật. Một sức ép tâm lý rất lớn, kinh khủng và cả xã hội nhìn vào.
Anh em xuống tinh thần, bệnh viện chẳng dám mua sắm. Nghị trường những ngày qua cũng có nhiều tiếng nói bày tỏ xót xa trước thực trạng này của ngành y tế. Rõ ràng có tội thì phải xử lý nhưng ngẫm lại ở bất kỳ xã hội nào, vị trí của người thầy thuốc và thầy giáo cũng đều rất quan trọng.
Và để đào tạo được một cán bộ y tế có một trình độ nhất định, đảm nhiệm những vị trí quan trọng phải mất rất nhiều thời gian, nay bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự quả thật là thiệt hại, mất mát nguồn lực rất lớn cho xã hội.
Tôi không cổ xúy chuyện cứ sai đi rồi xã hội tha thứ. Những người sai phạm, đặc biệt là những người đã nhận tiền và có tiêu cực, phải chịu xử lý. Tuy nhiên, bây giờ phải nhìn tận gốc vấn đề để cán bộ ngành y tế không thể sai, không dám sai và không cần thiết phải sai.
Để xảy ra những sai phạm như vừa qua không chỉ có trách nhiệm riêng của người vi phạm mà của cả toàn hệ thống, trong đó có chúng tôi - những người làm chính sách.
Chúng ta chưa tạo ra môi trường để ngành y tế hoạt động tuân thủ pháp luật một cách yên tâm. Trong số những người vi phạm, chắc chắn có người cố tình, tham lam nhưng cũng không loại trừ có trường hợp vi phạm do vô ý, do cơ chế và do trong tình cảnh cấp bách.
Xã hội không chỉ kêu gọi đạo đức, y đức mà chúng ta cần phải hỏi rằng đã tạo một môi trường thuận lợi để đạo đức, y đức đó phát triển hay chưa? Như chỉ nói riêng về lương của cán bộ y tế, chúng ta hay nói ngành y là ngành cao quý và ông bà dạy có thực mới vực được đạo, nhưng xem lại lương bổng ngành y có gì khác so với ngành khác?
Trong khi ngành nào lương thấp phải chịu, còn ngành y nếu lương không đủ sống thì người có năng lực sẽ tìm đến hệ thống tư nhân. Khi đó, người dân nghèo đến khám chữa bệnh ở bệnh viện công phải chịu sự bất công bằng.
Do đó nên cấp bách coi lại những quy định về trách nhiệm quản lý, quy trình đấu thầu, đấu giá mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế…
Ngay chính Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, người trực tiếp tham gia xử lý các sai phạm hiện nay, khi phát biểu trước Quốc hội cũng chỉ ra những vướng mắc, hạn chế của quy định pháp luật và kiến nghị kịp thời ban hành, sửa đổi các quy định, đảm bảo bịt những lỗ hổng để tạo điều kiện cho sự phát triển và sự phục vụ tốt hơn cho nhân dân, tạo hành lang pháp lý để người thực hiện nhiệm vụ được an tâm.
Thực trạng hiện nay có thể ví hệ thống y tế như con bệnh "thập tử nhất sinh", bên cạnh có những bộ phận hoại tử phải khoét và cắt bỏ nhưng cũng phải cho thuốc bổ, trợ tim… giữ thể trạng bệnh nhân.
Nếu chỉ chuyên chú cắt với khoét thì cái chúng ta nhận được là một tử thi, chết chóc. Và khi hệ thống y tế chết thì đương nhiên phải trả giá đầu tiên chính là người dân và sau đó là toàn xã hội.
TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vấn đề xã hội hóa đối với y tế bị sai phạm rất nhiều, nên bộ đang xây dựng nghị định liên doanh, liên kết xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để trình sớm với Chính phủ.
Xem thêm: mth.32234047050602202-et-y-ma-u-yam-gnob-aox-ed-ig-mal/nv.ertiout