Khi đánh giá về chỉ tiêu an toàn của nhà băng, có 3 chỉ số thường được sử dụng đó là: tỷ lệ dư nợ tín dụng, tỷ lệ nợ xấu và hệ số (tỷ lệ) an toàn vốn ( CAR - Capital adequacy ratio).
Quy mô vốn tự có là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng theo thông lệ quốc tế.
Hiện nay hệ số CAR đang được quy định cách tính chuẩn hóa cụ thể trong Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với Ngân hàng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.
Sự ra đời của Thông tư 41 được các chuyên gia đánh giá là tiến gần đến quy định quản lý rủi ro của Basel II nhưng mới chỉ là một phần của Basel II, bởi các quy định và tiêu chí trong Hiệp ước này rộng và còn phức tạp hơn nhiều.
Ít nhất, Thông tư 41 khi quy định về tỷ lệ an toàn vốn mà đây cũng là điểm chính của Basel II, đưa ra những phương pháp tính các loại tài sản có rủi ro với những hệ số rủi ro chặt chẽ hơn.
Thông tư 41 quy định:
Trong đó, Vốn tự có bao gồm tổng Vốn cấp 1 và Vốn cấp 2 trừ đi các khoản giảm trừ quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 41.
Chỉ tiêu vốn tự có bao gồm vốn điều lệ, lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, các quỹ... loại trừ đi cổ phiếu quỹ, lỗ lũy kế,...trên bảng cân đối kế toán. Vốn tự có cần được tính toán 1 cách chi tiết và cụ thể, nó khác với chỉ tiêu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán.
Chẳng hạn, vốn tự có của BIDV tại thời điểm 31/12/2021 theo công bố của Ngân hàng là 131.058 tỷ đồng, khác hoàn toàn với vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán cùng thời điểm 86.329 tỷ đồng.
Hiện nay, các ngân hàng xây dựng chương trình tính tỷ lệ an toàn vốn tự động hàng tháng cũng như các quy trình tính toán tỷ lệ an toàn vốn và công bố thông tin về an toàn vốn 6 tháng/lần và các nhà đầu tư, khách hàng, đối tác,… quan tâm đến hệ số an toàn của nhà băng có thể dễ dàng tìm thấy thông tin trong các bản công bố này.
Chúng ta có thể xem xét ví dụ sau từ số liệu của ngân hàng Techcombank để hiểu về cơ cấu vốn tự có tại 3/12/2021 của nhà băng
Nguồn: Techcombank
Về phần mẫu số của hệ số CAR, mặc dù trong công thức nhìn có vẻ phức tạp nhưng về bản chất, nó sẽ phản ánh tổng tài sản có rủi ro trong đó có tính tới 4 loại là rủi ro tín dụng, rủi ro tín dụng đối tác, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
(i) Rủi ro tín dụng là rủi ro do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với ngân hàng.
(ii) Rủi ro tín dụng đối tác là rủi ro do đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán trước hoặc khi đến hạn.
(iii) Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc có sai sót, do yếu tố con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yếu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả rủi ro pháp lý).
(iiii) Rủi ro thị trường là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán và giá hàng hóa trên thị trường. Rủi ro thị trường bao gồm: rủi ro lãi suất; Rủi ro ngoại hối; Rủi ro giá cổ phiếu; Rủi ro giá hàng hóa.
Chúng ta cùng xem cách tính CAR trên báo cáo của Techcombank thời điểm 31/12/2021
Nguồn: Techcombank
Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn CAR của Techcombank cuối năm 2021 bằng Vốn tự có (bảng 1)/ Tổng tài sản có rủi ro (bảng 2) = 15,04%
Về ý nghĩa, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cho thấy khả năng các ngân hàng có đủ "đệm" để hấp thụ một lượng thiệt hại hợp lý trước khi vỡ nợ dẫn đến mất tiền của người gửi tiền. Tỷ lệ an toàn vốn đảm bảo tính hiệu quả và ổn định của hệ thống tài chính của một quốc gia bằng cách giảm nguy cơ ngân hàng mất khả năng thanh toán.
Trong quá trình xoay vòng, vốn của người gửi tiền được ưu tiên cao hơn vốn của ngân hàng, vì vậy người gửi tiền chỉ có thể mất tiền tiết kiệm nếu ngân hàng ghi nhận mức lỗ vượt quá số vốn mà ngân hàng sở hữu. Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng càng cao thì mức độ bảo vệ tài sản của người gửi tiền càng cao.
Các chuẩn mực Basel II quy định mức vốn cho các tài sản có trọng số rủi ro là 8%. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn RBI, các ngân hàng thương mại theo lịch trình của Ấn Độ được yêu cầu duy trì CAR là 9% trong khi các ngân hàng khu vực công Ấn Độ được nhấn mạnh cần duy trì CAR là 12%.
Tại Việt Nam, năm 2018 - 2019 theo quy định TT36 hệ số CAR yêu cầu >=9%; từ 2020 theo Basel II hệ số CAR yêu cầu >=8%. Khi được Phóng viên Thông tấn xã VN đặt câu hỏi tại sao CAR phải 8% mà không là con số khác, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: "Tôi cũng đã từng đặt câu hỏi này với một số chuyên gia về tài chính ngân hàng trên thế giới, họ cho rằng con số 8% là kinh nghiệm thực tế về nợ xấu và họ nghĩ rằng con số 8% là hợp lý. Bắt buộc trong 100 đồng tài sản phải có ít nhất là 8 đồng của mình còn 92 đồng là đi vay ở ngoài.
Tuy nhiên, cho đến bây giờ vẫn chưa có một khảo sát khoa học nào tại các quốc gia cũng như với nhiều loại tín dụng cho là 8% là mức mà khoa học có thể xác định là mức an toàn nhất. Nói chung tất cả các nhà tài chính đều xem tỷ lệ 8% là tỷ lệ an toàn vốn hợp lý."
Các nhà băng ở Việt Nam hiện nay tùy vào quản trị rủi ro có hệ số CAR khác nhau, theo quy định không thấp hơn 8% và thông thường đều lớn hơn 9%. Ở các quốc gia trong khu vực, hệ số này cao hơn.
Trong báo cáo “Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới - World Bank phát hành tháng 1/2022 có nêu “Đáng tiếc là các ngân hàng ở Việt Nam có vốn dự phòng ở mức thấp, sau khi xét đến tỷ lệ an toàn vốn chỉ khoảng 11,3% (quý 1/2021) so với 16% đến 24% tại các quốc gia ASEAN+5".
Tổng hợp theo số liệu công bố của các ngân hàng
Thống kê 9/10 ngân hàng TMCP có tổng tài sản lớn nhất hiện nay (trừ Agribank*) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, Techcombank đang là ngân hàng đang có tỷ lệ CAR cao nhất và khá vượt trội so với nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV.
Hệ số CAR của VPBank trong năm 2021 tăng mạnh cả số riêng lẻ và hợp nhất, lần lượt tăng 3,73% và 2,56% lên 14,16% và 14,27% so với thời điểm cuối năm 2020. CAR của nhà băng này tăng mạnh đóng góp lớn từ việc thoái vốn thành công 49% cổ phần tại FE Credit cho SMBC Finance Co., Ltd.
Với nhóm các ngân hàng quốc doanh, mặc dù sở hữu rất nhiều lợi thế về quy mô, vốn nhưng khó khăn lớn nhất của các ngân hàng này là hệ số an toàn vốn (CAR) vẫn ở mức thấp so với nhiều ngân hàng khác và đang thấp hơn bình quân ngành. Việc đẩy mạnh dư nợ cho vay, cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng và yêu cầu thực hiện Basel II, Basel III khiến áp lực với hệ số CAR ngày càng tăng.
Chính vì vậy, nhiều lần đại diện BIDV cũng như 3 Ngân hàng TMCP còn lại rất mong được Nhà nước cho phép giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn, giải quyết phần nào những khó khăn, vướng mắc, cản trở hiện nay.
(*) Thống kê bỏ qua Agribank do nhà băng này 100% vốn của Nhà nước nên có đặc thù riêng. Hệ số an toàn vốn (CAR) của Agribank tại thời điểm 31/12/2021 nếu tính theo Thông tư 22/2019/TT-NNN là 10,2%, tuy nhiên, nếu áp dụng theo Basel II, hệ số CAR của Agribank sẽ bị giảm mạnh.
http://tintuc.vdong.vn/06/1375864.htmAn Vũ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế