Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 tại TP HCM năm nay có chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới". Phát biểu tại phiên toàn thể chiều 5/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian để nói rõ hơn về định hướng này của Việt Nam.
"Có độc lập, tự chủ mới tích cực hội nhập được. Ngược lại, tích cực hội nhập để củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đây là hai mặt song song của một quá trình", ông nói.
Theo ông, đây là chủ trương nhất quán, đúng đắn và hiệu quả. Trong đó, "hiệu quả lớn" có thể thấy là duy trì được sự ổn định nền kinh tế trong thế giới bất ổn hiện nay.
"Qua 35 năm đổi mới, chúng ta đã trải qua nhiều biến cố từ bên ngoài và cả nội tại nền kinh tế. Đặc biệt, qua hai năm chống dịch và biến động kinh tế, hiện nay chúng ta vẫn giữ được sự ổn định", ông giải thích.
"Sự ổn định" mà ông nói cũng được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tại diễn đàn đánh giá cao, nhất là trong giai đoạn Covid-19, khi kinh tế toàn cầu có hàng loạt biến động.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam đã có vị thế rất tốt nếu xét ở mức độ nợ công thấp và kết quả GDP năm 2021, sức mạnh tài khóa ổn. "Việt Nam không phải quá can thiệp tài khóa ở quy mô quá lớn sau Covid, là trường hợp nổi bật trong các nước đang phát triển vì nhiều nước gặp khó vấn đề này", ông nhận xét.
Trong khi đó, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright, cho rằng quan trọng nhất là Việt Nam đã giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới biến động, như vịnh tránh bão trong cơn biển động.
2021 là lần đầu tiên trong 25 năm kinh tế toàn cầu suy giảm (do dịch) nhưng Việt Nam vẫn ổn định được vĩ mô, khác với các lần suy thoái trước Việt Nam dễ dàng bị ảnh hưởng theo. Điều này, theo ông Tự Anh, chứng tỏ nền kinh tế có sự chủ động, chống chịu tốt hơn trước.
"Chúng ta có cơ hội là ở cạnh Trung Quốc nhưng lại có thể hấp thu các dòng chuyển dịch đầu tư từ nước này sang. Nhiều nhà đầu tư muốn ra khỏi Trung Quốc nhưng vẫn muốn gần thị trường đó", chuyên gia này nói.
Để tiếp tục định hướng phát triển kinh tế độc lập, tự chủ nhưng hội nhập sâu rộng này, Thủ tướng đề ra một số vấn đề phải thực hiện. Đầu tiên là duy trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, xây dựng đường lối đối ngoại độc lập; đa phương hóa, đa dạng hóa; làm bạn bè tốt, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, theo ông, quan trọng là xây dựng nội lực và ngoại lực cho nền kinh tế. Nội lực bao gồm con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa. Ngoại lực là có thể chế hội nhập, như FTA và học tập thể chế các nước để tiếp thu phù hợp; học tập kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, quốc gia; huy động nguồn tài chính, công nghệ từ bên ngoài.
Về điều hành kinh tế trong tình hình hiện nay, Thủ tướng cho biết vẫn điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển dịch mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển xanh, tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.
Trong đó, 3 trọng tâm cần cơ cấu gồm: cơ cấu lại đầu tư trong bối cảnh đầu tư công còn dàn trải, manh mún, chưa tập trung; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là khắc phục các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nhưng không làm đổ bể hệ thống; và cơ cấu lại doanh nghiệp với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Nhận xét thị trường vốn vừa qua, Thủ tướng cho rằng, trong quá trình điều chỉnh, có những biến động là "bình thường" nhưng quan trọng là đã kịp thời phát hiện và xử lý nhằm minh bạch hóa, phát triển ổn định.
"Nhà cháy thì chữa cháy phải chấp nhận lộn xộn, thiệt hại nhất định để đổi lấy cái lâu dài. Chúng ta cũng bình tĩnh, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế", ông nhắc lại quan điểm gần đây của Chính phủ.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng quy mô vốn, đầu tư công nghệ cao, liên kết doanh nghiệp trong nước. Ông đề nghị các ngành, các cấp cùng tạo điều kiện thuận lợi ổn định để phát triển nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, "cơ hội với một nền kinh tế mở mà chưa thực sự mạnh cũng là thách thức", theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Các yếu tố tạo thách thức khó lường cho Việt Nam gồm: xung đột kinh tế "tầm cao" của các nền kinh tế hàng đầu; đứt gãy chuỗi cung ứng do cộng hưởng bởi chính sách chống dịch của Trung Quốc và phương Tây cấm vận Nga.
Ông Andrew Jeffries cũng chỉ ra rằng việc Trung Quốc chậm lại và Mỹ có nguy cơ suy thoái trong khi đây là hai thị trường lớn của Việt Nam rất đáng quan tâm. "Cần đa dạng thị trường xuất khẩu để Trung Quốc hay Mỹ suy thoái thì vẫn có những thị trường khác. Việt Nam nên bước nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu; quan tâm đến chất lượng thu hút đầu tư công nghệ cao, giá trị cao chứ không chỉ là số lượng. Những nỗ lực về giáo dục đại học, đào tạo nghề rất quan trọng", ông nói.
Vị chuyên gia cũng khuyến nghị cần duy trì nợ công ở mức quản lý được và quản lý tài khóa thận trọng. "Việt Nam là một nền kinh tế mở nên khó tránh hoàn toàn các cú sốc bên ngoài. Hội nhập kinh tế thì Việt Nam có lợi hơn rất nhiều nền kinh tế khác nên cố gắng đừng thụt lùi lợi thế này", ông cho biết thêm.
Phía IMF vẫn có đánh giá khá lạc quan. Tổ chức này dự báo cuộc xung đột Ukraine chỉ làm giảm 0,5% tăng trưởng của Việt Nam và tăng 0,8% đến lạm phát. Tuy nhiên, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cần triển khai tiếp các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với cải cách thể chế, quản lý dữ liệu, tính minh bạch.
Một số mặt nền kinh tế cần củng cố, theo đại diện IMF bao gồm: khuôn khổ quản lý tài khoá; nền tảng an sinh xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý tài sản công. "Về giám sát chính sách tiền tệ thì cần tiếp tục hiện đại hóa, tăng cường năng lực phân tích và dự báo của Ngân hàng Nhà nước; củng cố ngành ngân hàng bằng cách áp dụng Basel II để ngành này hấp thu được các cú sốc kinh tế và quản lý nợ xấu", ông Francois Painchaud nói.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng, thực tế những năm qua cho thấy, nếu duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô sẽ nâng được xếp hạng quốc gia. Thị trường quốc tế có biến động phức tạp nhưng thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn ổn định. Với nền tảng vĩ mô vững chắc, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam liên tục cải thiện, từ năm 1997 đến nay được 7 lần nâng hạng, tập trung nhiều từ 2000 trở lại đây. Gần đây, S&P đã nâng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên BB+.
Tuy nhiên, ông xác nhận năm nay các ngân hàng trung ương đang thắt chặt tiền tệ, với hơn 135 đợt tăng lãi suất từ đầu năm đến nay. Điều này cũng khiến Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực hơn trong việc đối phó với lạm phát ngày càng tăng mà vẫn phải hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Đánh giá chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải luôn giữ tâm thế khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ.
"Năm 2021, chúng ta không hình dung được năm nay thế giới có chiến sự, lạm phát, Fed tăng lãi suất. Chúng ta không lo sợ nhưng cũng không chủ quan, không cầu toàn nhưng cũng không liều lĩnh", ông nói.
Viễn Thông