Bé gái chạy xe scooter ngang tòa nhà ở làng Horenka, thủ đô Kiev, vào ngày 4-6 - Ảnh: AFP
Phát biểu của ông Biden dường như khuyến khích Chính phủ Ukraine quay trở lại bàn đàm phán sau một thời gian dài các biện pháp ngoại giao bị ngưng trệ.
Tỉ lệ ủng hộ ông Biden giảm
Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước qua mốc 100 ngày, ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế của thế giới ngày càng trở nên rõ ràng và tiêu cực hơn.
Mặc dù vào thời điểm khởi đầu cuộc xung đột Ukraine, nền kinh tế nước Mỹ bị tác động vẫn còn khá hạn chế do quan hệ thương mại khiêm tốn của nước này với Ukraine và Nga, nhưng cuộc xung đột kéo dài đã làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát ở Mỹ, vốn đã bị ảnh hưởng lớn sau một thời gian mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ sau COVID-19 để phục hồi kinh tế.
Tổng thống Biden hiện đang cảm thấy sức ép của công chúng Mỹ rõ ràng hơn bao giờ hết. Việc đề cập Nga và Ukraine cần thương lượng để chấm dứt giao tranh cũng cho thấy ông Biden dường như cũng đã mệt mỏi vì chiến sự kéo dài.
Trước đó, trong bài xã luận trên tờ New York Times vào tuần trước, ông Biden đã đưa ra chiến lược Ukraine của mình, trong đó nhấn mạnh các giới hạn đối với sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột.
Ông Biden nhắc lại Mỹ sẽ không đưa quân tham chiến ở Ukraine, điều mà công chúng Mỹ không ủng hộ, đồng thời tuyên bố rằng Mỹ không cố gắng "kéo dài chiến tranh chỉ để gây thêm đau đớn cho Nga".
Tất nhiên, cuộc chiến kéo dài thì không chỉ gây đau đớn cho người Nga hay người Ukraine. Các cuộc thăm dò cho đến nay ở Mỹ cho thấy ông Biden bị đổ lỗi nhiều hơn ông Putin về hệ quả tác động của xung đột Ukraine.
Theo số liệu từ Hãng tin Reuters, vào cuối tháng 5, tỉ lệ công chúng ủng hộ Tổng thống Joe Biden đã giảm xuống mức thấp mới khi chỉ có 36% người Mỹ nói rằng họ tán thành công việc của ông, và tỉ lệ này chỉ cao hơn vài điểm phần trăm so với mức thấp kỷ lục 33% mà cựu tổng thống Donald Trump nhận được vào năm 2017.
Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, tâm trạng của công chúng Mỹ không hài lòng với đường lối của đất nước cũng như Quốc hội khiến Đảng Dân chủ lo ngại sẽ đánh mất quyền kiểm soát ở lưỡng viện.
Triển vọng kinh tế u ám
Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ cũng bày tỏ e ngại về triển vọng kinh tế Mỹ trong thời gian tới. Tuần trước, người giàu nhất thế giới Elon Musk của Hãng xe điện Tesla tuyên bố sẽ cắt giảm 10% nhân công trong năm nay khi bày tỏ một "cảm giác siêu tệ" về nền kinh tế.
Jamie Dimon, giám đốc điều hành của Ngân hàng JP Morgan Chase lớn nhất nước Mỹ, cũng cảnh báo các nhà đầu tư nên cảnh giác với suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Uy tín cầm quyền của Tổng thống Biden bị thách thức nghiêm trọng khi lạm phát trong 12 tháng qua ở Mỹ đã lên tới 8,5% vào tháng 3, mức tăng hằng năm cao nhất trong hơn 4 thập niên qua.
Mặc dù lạm phát sau đó giảm xuống 8,3% vào tháng 4 nhưng vẫn ở mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Nhiều người Mỹ phải "vật lộn" để mua các nhu yếu phẩm bao gồm thực phẩm, chỗ ở và nhiên liệu.
Cảm giác tiêu cực về nền kinh tế Mỹ phản ánh một số yếu tố. Hiện nay giá dầu thô đã tăng lên hơn 110 USD/thùng và nhiều khả năng tăng tiếp tục trong thời gian tới. Người dân Mỹ ngao ngán vì giá xăng trung bình cao kỷ lục 4,76 USD/gallon (3,785 lít) gần đây.
Giá lương thực, một yếu tố khác góp phần làm gia tăng lạm phát của Mỹ, cũng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh do Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu chính cung cấp thực phẩm như lúa mì và dầu hướng dương.
Sự hợp tác của Mỹ và các quốc gia phương Tây, đặc biệt là về các biện pháp trừng phạt Nga, đã rất mạnh mẽ cho đến nay. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo các rạn nứt trong liên minh sẽ không xuất hiện khi cuộc giao tranh kéo dài.
Tuy nhiên, hiện nay cả Nga và Ukraine đều không muốn rút ra khỏi cuộc chiến một cách dễ dàng. Ukraine không muốn hạ vũ khí khi họ chưa lấy lại các vùng đất đã bị chiếm.
Phía Nga hiểu ưu thế của họ trên chiến trường khi đang kiểm soát các thành phố quan trọng ở khu vực Donbass của Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng biết Mỹ và phương Tây sẽ mệt mỏi với Ukraine nếu không có giải pháp kết thúc cuộc xung đột trong hòa bình.
Cuộc xung đột Ukraine kéo dài có thể làm thay đổi kinh tế cũng như địa chính trị toàn cầu, dẫn đến một thời đại phi toàn cầu hóa mới khi các quốc gia trên thế giới phải thích nghi với việc chuỗi cung ứng, năng lượng và thương mại được sắp xếp lại và dễ bị tổn thương hơn.
Dù cho ai chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine, nước Mỹ cũng đã góp phần tự làm tổn thương nền kinh tế của mình. Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden sẽ trở nên khó khăn hơn trong cuộc "leo núi" khi cuộc bầu cử giữa kỳ sắp đến.
Nga dọa tấn công các mục tiêu mới
Trả lời báo chí Nga, Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ nước này sẽ tấn công các mục tiêu mới nếu Mỹ bắt đầu cung cấp các tên lửa tầm xa cho Ukraine.
"Chúng tôi sẽ tấn công những mục tiêu mà chúng tôi chưa đụng đến bao giờ", kênh truyền hình nhà nước Rossiya-1 dẫn lời ông Putin trong một cuộc phỏng vấn diễn ra ngày 3-6 và được công bố ngày 5-6.
Tuy nhiên, Hãng tin Reuters cho biết ông Putin không nêu rõ tên của "các mục tiêu mới" này trong trường hợp Washington cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev.
CHI LAN
TTO - Trả lời báo chí Nga, Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ nước này sẽ tấn công các mục tiêu mới nếu Mỹ bắt đầu cung cấp các tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Xem thêm: mth.63914837060602202-eniarku-us-neihc-iv-nod-uad-gnuc-ym-ihk/nv.ertiout