Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 3/6 cho biết đã có thông tin về hơn 700 ca mắc đậu mùa khỉ trên toàn cầu, trong đó có 21 ca ở Mỹ.
Theo báo cáo mới của CDC Mỹ, 16 trong số 17 trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ được xác định là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Trong số các ca đậu mùa khỉ ở Mỹ có 14 trường hợp được cho là có liên quan đến du lịch.
Tất cả các bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Mỹ đang trong tình trạng hồi phục hoặc đã khỏi, không có trường hợp nào tử vong.
Quan chức CDC Mỹ Jennifer McQuiston cho hay: "Có một số ca ở Mỹ có liên quan đến các ca đã được xác nhận. Nhưng cũng có ít nhất 1 ca ở Mỹ chưa rõ nguyên nhân lây nhiễm".
Mới đây nhất, tại Camphuchia, nước láng giềng của Việt Nam, Cục Kiểm soát Dịch bệnh Truyền nhiễm (CDC) Campuchia ghi nhận ít nhất 6 ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ.
Tiến sĩ Ly Sovann, Giám đốc CDC Campuchia, không nêu rõ độ tuổi và nơi sinh sống của 6 trường hợp này. Tuy nhiên, tất cả ca nghi nhiễm đều là người bản địa, không phải khách du lịch nhập cảnh. Các xét nghiệm ban đầu cho kết quả âm tính nhưng giới chức y tế cho biết sẽ tiếp tục điều tra về nguồn lây và đường truyền nhiễm.
Về căn bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng TP HCM) cho biết đậu mùa khỉ không phải bệnh hiếm, cũng không phải được phát hiện mới đây mà đã xuất hiện ở châu Phi từ lâu. Đây cũng được xem là bệnh lưu hành.
Tình trạng ở người mắc bệnh cũng tự ổn định, không cần can thiệp nhiều. Trong nhóm đậu mùa gồm có đậu mùa người, đậu mùa khỉ và đậu mùa bò, cả 3 virus này "na ná" nhau, cho nên những người đã tiêm vaccine đậu mùa sẽ khó mắc bệnh hơn.
Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng: sốt, ớn lạnh, nổi các nốt mụn nước,... đặc biệt nhất là sưng hạch bạch huyết. Bệnh có thể nghiêm trọng hơn vã dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh thủy đậu, mụn rộp hoặc giang mai. Do đó, khi có triệu chứng, việc người dân cần làm là phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ, bạn sẽ phải cách ly cho đến khi hết virus. Bệnh thường nhẹ và hầu hết sẽ khỏi trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần.
BS Khanh cũng cho biết thêm, chúng ta không cần lo lắng căn bệnh này sẽ bùng phát như COVID vì:
- Độ lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ không cao.
- Khi chưa có triệu chứng thì bệnh đậu mùa khỉ không lây.
- Khi nổi bóng nước người bệnh sẽ hạn chế ra ngoài, như vậy sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Giọt bắn ở những người mắc bệnh nói riêng và căn bệnh này nói chung là giọt bắn lớn nên không dễ lây nhiễm, nhiều người đứng sát mặt nhau nhưng cũng không bị lây, trừ trường hợp bóng nước của người nhiễm bệnh bị vỡ, chúng ta đụng vào và đưa lên miệng, khi ấy chúng ta mới nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh lưu ý: "Nếu đã tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ thì tốt nhất không nên chơi cùng trẻ con và người suy giảm miễn dịch để tránh lây lan. Sau đó, hãy tự theo dõi trong vòng 21 ngày, nếu không có triệu chứng thì sức khoẻ bạn vẫn bình thường, như vậy đậu mùa khỉ không phải là gánh nặng gì ghê gớm lắm".
BS Khanh lưu ý, đối với thủy đậu, người dân nên tiêm vaccine vì mức độ bệnh lây lan của bệnh này rất nhanh, nếu trẻ không bị thì già chắc chắn sẽ bị. Còn với đậu mùa khỉ, người dân không nên hoảng loạn mà cần bình tĩnh hoặc cũng có thể tiêm vaccine phòng ngừa.
BS Khanh cho biết: "Nhiều nghiên cứu khẳng định người đã tiêm phòng vaccine đậu mùa đạt 85% hiệu quả phòng chống lại bệnh đậu mùa khỉ".
Đậu mùa khỉ khó có thể thành đại dịch như COVID. Ảnh minh họa.
Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Dù chưa ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam nhưng việc phòng ngừa bệnh vẫn nên được chú trọng. Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ (động vật bị bệnh, động vật chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh,…).
- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Chỉ ăn các loài động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.
- Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh. Không chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Cách ly người có triệu chứng bệnh/người có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.
- Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa.
- Nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin bệnh.
Theo Mộc Trà
Trí Thức Trẻ