Toàn bộ khoản nợ của Tập đoàn Quang Trung (bao gồm gốc, lãi, phí,...) tại VietinBank Uông Bí đang được “khoanh” tại 460,412 tỷ đồng. Trong đó, số dư nợ gốc 337,467 tỷ đồng; lãi quá hạn 83,8422 tỷ đồng; lãi phạt quá hạn 39,102 tỷ đồng.
Mức giá khởi điểm cho khoản nợ trên được VietinBank công bố là 460,412 tỷ đồng, bằng đúng giá trị khoản nợ. Trong trường hợp bán đấu giá lần 1 với mức giá khởi điểm nêu trên không thành, ngân hàng thực hiện giảm giá khởi điểm để tiếp tục bán đấu giá khoản nợ, mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.
Được biết, khoản nợ trên được hình thành từ các hợp đồng tín dụng ký năm 2012 và 2017. Tài sản đảm bảo cho khoản vay được định giá 645 tỷ đồng, gồm 51 cầu trục, cẩu trục tại Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ địa chỉ phường Phương Nam, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh;
3 bất động sản gồm: Quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là trung tâm dạy nghề thuộc Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ, diện tích 4.662m2; Quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là Nhà Công vụ số 1 và Nhà Công vụ số 2 tổng diện tích 3.000m2 trên diện tích sàn 13.500m2 thuộc sở hữu của Tập đoàn Quang Trung tại phường Phương Nam, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, do Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/03/2017 với mục đích xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ. Thời hạn sử dụng đất đến năm 2057.
Tập đoàn cơ khí Quang Trung tiền thân là Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, thành lập năm 1992, có trụ sở tại số 494 phố Đoàn Kết, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Doanh nghiệp này thuộc sở hữu của doanh nhân Nguyễn Tăng Cường (sinh năm 1960, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc). Ông Cường còn là Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Du lịch Tam Cốc – Bích Động Ninh Bình.
Ông Nguyễn Tăng Cường khởi nghiệp với nghề sửa chữa xe đạp, sau đó là xe máy. Ít ai biết rằng ở thời kỳ 1990-1995, ông đã bỏ ra toàn bộ tiền bạc có được để mua các cần cẩu, cẩu trục cũ hỏng từ các doanh nghiệp bán phế liệu, rồi về "mổ" ra để nghiên cứu.
Ông Nguyễn Tăng Cường được biết đến với biệt danh “Vua Cẩu”. |
Trong làng cơ khí Việt Nam, ông Nguyễn Tăng Cường được biết đến với biệt danh “Vua Cẩu” khi doanh nghiệp của ông chuyên sản xuất các loại cẩu trục, cầu trục. Những sáng kiến “không giống ai” của ông Cường đã làm nên tên tuổi của cơ khí Quang Trung.
Bắt đầu từ việc chế tạo thành công tấm ghi đỡ clinker trong hệ thống sản xuất xi măng và chế tạo hệ thống ống dẫn axit cho Nhà máy Hóa chất Super Phốt phát Lâm Thao, những sản phẩm nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước phải bó tay.
Tên tuổi cơ khí Quang Trung chỉ bắt đầu được chú ý trong lĩnh vực chế tạo thiết bị nâng hạ từ năm 2003, khi đơn vị này sản xuất được cẩu chân đế 80 tấn. Một thành công "để đời" của cơ khí Quang Trung là cung ứng cầu trục giàn máy có sức nâng 1.200 tấn và cầu trục chân què 350 tấn cho Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, góp phần đưa công trình đi vào hoạt động sớm 2 năm. Đây chính là động lực quan trọng để ông “Vua Cẩu” tiếp tục nghiên cứu, sản xuất những chiếc cần cẩu 5.000-6.000 tấn “Made in Vietnam”.
Cũng nhờ những sáng kiến này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung trong việc cung cấp cần cẩu cho hàng loạt các dự án thủy điện khác như Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, sông tranh, Huội Quảng, Bản Chát, Hủa Na,...
Năm 2012, ông Nguyễn Tăng Cường được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình "Ứng dụng 5 giải pháp KHCN chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam".
Theo Hiền Anh
Infonet
Xem thêm: nhc.15044944160602202-hnib-hnin-aig-iad-uac-auv-auc-yt-mart-on-naohk-nab-oar-gnah-nagn/nv.zibefac