Một cơ sở lọc dầu của Repsol ở miền nam Tây Ban Nha - Ảnh: REUTERS
Ngày 6-6, Hãng tin Reuters dẫn nhiều nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thư cho 2 công ty dầu của châu Âu nói trên thông báo cho phép nối lại việc chở dầu từ Venezuela.
Động thái này nhằm giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, đồng thời chuyển hướng bớt nguồn dầu từ Venezuela đến Trung Quốc.
Một số nguồn tin cho biết nó cũng nhằm buộc chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trở lại đàm phán với phe đối lập trong nước.
Theo đó, 2 công ty châu Âu, hiện có liên doanh cùng công ty dầu nhà nước PDVSA của Venezuela, có thể tính dầu thô trừ vào các khoản nợ chưa thanh toán hoặc cổ tức trễ hạn của Caracas.
Điều kiện quan trọng kèm theo là số dầu này "phải chuyển đến châu Âu chứ không nơi nào khác". Washington cho rằng PDVSA sẽ không kiếm lời được từ các giao dịch đổi dầu xóa nợ không tiền mặt này.
Các công ty khác như Chevron CorpCVX.N của Mỹ, Tập đoàn Dầu và khí đốt tự nhiên ONGC của Ấn Độ và Maurel & Prom SAMAUP.PA của Pháp cũng đang vận động Washington cho phép vận chuyển dầu của Venezuela trở lại.
Các công ty này bị cấm lấy dầu để xóa nợ cho Venezuela từ giữa năm 2020, khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt trừng phạt xuất khẩu dầu mỏ của Caracas.
Reuters cho biết số dầu mà công ty Eni và Repsol vận chuyển sẽ không lớn và không ảnh hưởng nhiều đến giá dầu thế giới, nhưng sẽ là một tín hiệu tích cực cho chính quyền ông Maduro.
Động thái bật đèn xanh của Washington diễn ra sau nhiều hoạt động ngoại giao bí mật và đàm phán với Caracas thời gian qua.
Vào tháng 3-2022, một số cuộc đàm phán cấp cao diễn ra ở Caracas và Venezuela phóng thích 10 công dân Mỹ, hứa sẽ nối lại đối thoại với phe đối lập trong nước.
Tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng yêu cầu Chevron, công ty dầu lớn nhất của Mỹ vẫn còn hoạt động ở Venezuela, trao đổi với chính quyền ông Maduro và PDVSA về hoạt động sắp tới.
Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Mỹ bí mật gửi thư đến công ty Eni và Repsol rằng Washington sẽ "không phản đối" các công ty này tiếp tục các thỏa thuận đổi dầu xóa nợ với Venezuela và chuyển dầu đến châu Âu. Các bức thư trấn an 2 công ty châu Âu rằng họ sẽ không bị trừng phạt.
Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của Venezuela, nhận đến 70% lượng dầu chuyển hằng tháng từ quốc gia Nam Mỹ này. Caracas cũng đang dùng dầu để trả nợ hàng tỉ USD vay của Bắc Kinh.
Cuba, Venezuela, Nicaragua bị loại khỏi Thượng đỉnh châu Mỹ
Một số nguồn tin cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã quyết định loại chính quyền 3 nước Cuba, Venezuela và Nicaragua khỏi Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ dự kiến diễn ra tại Mỹ trong tuần này.
Reuters dẫn các nguồn tin trên cho hay Washington viện dẫn các lo ngại về nhân quyền, thiếu dân chủ để giải thích cho quyết định này.
Căng thẳng tại châu Mỹ thời gian qua về việc nước nào được mời dự thượng đỉnh và nước nào không gây lo ngại Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador và một số lãnh đạo khác trong khu vực có thể tẩy chay hội nghị.
TTO - Việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga sẽ không chỉ tạo thêm áp lực cho Nga, mà còn với chính các nước EU và làm trầm trọng thêm những cuộc khủng hoảng khác đang diễn ra trên thế giới.
Xem thêm: mth.76350454160602202-ua-uahc-uuc-iaig-aleuzenev-uad-ohc-gnoud-om-ym/nv.ertiout