Người dân và cán bộ thuế nhiều địa phương cho biết đang lúng túng với việc “xác định giá đúng”
Thời gian qua, việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản (BĐS) được nhiều cơ quan báo chí phản ánh nảy sinh nhiều vấn đề bất cập như lúng túng với việc "xác định giá đúng", thất thu thuế chuyển nhượng BĐS…
Về việc này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã tiếp thu, triển khai các giải pháp chống thất thu thuế, đảm bảo minh bạch giao dịch chuyển nhượng BĐS.
Cụ thể, Tổng cục Thuế đã có công văn số 1381/TCT-DNNCN ngày 28/4/2022 về triển khai các giải pháp chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản và công văn số 1488/TCT-KTNB ngày 10/5/2022 về việc bổ sung hướng dẫn xây dựng kế hoạch KTNB và công tác phòng chống tham nhũng năm 2022.
Theo đó, đề nghị Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan có liên quan thực hiện các nội dung nêu tại công văn 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022 của Bộ Tài chính; chỉ đạo quán triệt các phòng, đội tham gia công tác xử lý hồ sơ chuyển nhượng BĐS thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính; xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề về tính liêm chính của cán bộ thuế trong công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý đối với hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.
Theo đại diện Bộ Tài chính, tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế và quy trình về quản lý thuế hiện hành đã có hướng dẫn liên quan về trình tự cách xử lý, trách nhiệm của cơ quan thuế. Do đó, không cần phải ban hành quy trình riêng để hướng dẫn cụ thể trong trường hợp người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng BĐS thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ, chính xác về nghĩa vụ và lợi ích trong việc thực hiện nộp thuế chuyển nhượng BĐS; những rủi ro, trách nhiệm khi kê khai giá không đúng, đồng thời tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Về lâu dài, Bộ Tài chính kiến nghị cấp có thẩm quyền trong thời gian tới thực hiện một số giải pháp như: tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Bên cạnh đó, cấp thẩm quyền cần bổ sung quy định giao dịch chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng để minh bạch trong kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ công tác quản lý giao dịch tài sản, BĐS của các chủ thể trong xã hội của các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng.
Chỉ đạo "chung chung" tạo điều kiện cho nhũng nhiễu, trục lợi, tiêu cực
Phát biểu trước Quốc hội mới đây, đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã nêu ra loạt vấn đề rất đáng chú ý trong việc chống thất thu thuế kinh doanh chuyển nhượng bất động sản.
Theo đại biểu Phan Thái Bình, thời gian qua, tình trạng "bán nhà 2 giá", giá giao dịch bất động sản thực tế cao hơn nhiều giá kê khai trong hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn xảy ra phổ biến làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế các cấp và các cơ quan liên quan, các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua còn “chung chung”, không đề ra giải pháp rõ ràng, cụ thể về pháp lý, kỹ thuật đã vô tình dẫn đến nguy cơ làm công cụ, phương tiện để cho một số cơ quan, cán bộ thuế và một số chủ thể khác, như tổ chức hành nghề công chứng có điều kiện nhũng nhiễu, trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Từ phản ánh của cử tri, ông Bình cho hay, một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá bất động sản, tính thuế, nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp thuận giá tính thuế cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần, thậm chí có nơi đến 2 lần giá đất Nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ.
“Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế “ngâm” hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá ghi trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường bất động sản. Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định sát với giá thị trường bất động sản và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá Nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra và cũng không được quy định rõ ràng, minh bạch”, đại biểu Phan Thái Bình thẳng thắn chỉ rõ.
Bên cạnh đó, một số cán bộ thuế có biểu hiện lạm quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết hồ sơ, một bộ phận người dân buộc phải chấp nhận tiêu cực để giải quyết hồ sơ được thuận lợi.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật Đất đai; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ và kịp thời giá đất theo sát giá thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cho người dân để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong các mối quan hệ này./.
Theo Cẩm Tú
VOV