Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ hạn chế được tình trạng trở nặng nếu không may trẻ nhiễm phải - Ảnh: DUYÊN PHAN
Số vắc xin COVID-19 cho trẻ em và người lớn đã cấp phát cho các tỉnh thành khoảng 7 triệu liều chưa sử dụng, tổng số vắc xin từ các nguồn đã nhập khẩu về Việt Nam lên tới xấp xỉ 30 triệu liều. Khác với vắc xin khác, vắc xin COVID-19 có hạn dùng trên nhãn chỉ 8 tháng từ ngày sản xuất, dẫn đến áp lực phải sử dụng sớm, nếu không sẽ hết hạn.
Tiêm bắt buộc hay tự nguyện?
Các quy định hiện hành của Việt Nam đều không bắt buộc đối với việc tiêm ngừa mà là tự nguyện kết hợp với vận động. Hiện cũng không xử phạt nếu tiêm chủng không đầy đủ.
Riêng với vắc xin COVID-19, ở giai đoạn ban đầu vắc xin được đưa vào sử dụng tại Việt Nam (từ tháng 3-2021), do vắc xin về nhỏ giọt cộng với tâm lý lo sợ mắc COVID-19, ai cũng sẵn sàng tiêm chủng, thậm chí phải đi xin để được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Nhưng về thủ tục, người muốn tiêm chủng phải có giấy cam kết trước tiêm, như vậy là tự nguyện tiêm chủng.
Trong khi đó vắc xin COVID-19 được sử dụng trong đại dịch, đến nay có 8 vắc xin COVID-19 được dùng tại Việt Nam đều là vắc xin được cho phép lưu hành diện khẩn cấp.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại các vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, hoặc khi đến vùng có dịch phải sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin.
Dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam từ đầu năm 2020, đặc biệt từ đợt dịch thứ 4 (tháng 4-2021), nhiều tỉnh thành có dịch, có yếu tố vắc xin COVID-19 thuộc diện "bắt buộc", năm 2020 Chính phủ đã ban hành quy định dịch COVID-19 là đại dịch nhóm A, có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.
Nhưng đến nay COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng không khuyến cáo bắt buộc tiêm vắc xin.
Bên cạnh đó tiêm chủng hay không là quyền thân thể của mỗi cá nhân, trong điều kiện dịch đã giảm sâu như hiện nay, việc bắt buộc tiêm chủng lại càng không nên và không thể.
Chính vì vậy, dù vắc xin còn nhiều thì tiêm chủng vẫn là tự nguyện. Nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế và Bộ Tư pháp bàn bạc, rà soát các quy định hiện hành, thống nhất tiêm chủng bắt buộc hay tự nguyện.
Tự nguyện kết hợp vận động, nên không?
Trước khi hai bộ kể trên thống nhất, số vắc xin gần 30 triệu liều đã nhập về và còn tồn kho. Đại đa số vắc xin này là từ các nguồn viện trợ, tặng cho Việt Nam. Số người chưa tiêm chủng các mũi có chỉ định (mũi 3, 4 với người lớn) và mũi 1, 2 với nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi cũng còn rất lớn.
Riêng tại TP.HCM, thống kê ban đầu nhóm có chỉ định tiêm mũi 4 (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, tuyến đầu chống dịch...) cũng lên tới hàng triệu người.
Tuy nhiên dường như đang có sự "không gặp nhau" giữa người đi tiêm chủng và các cơ sở tiêm chủng. Nhiều người dân cho biết chỉ nghe việc tiêm mũi 4 qua báo chí, chưa thấy địa phương thông báo.
Một phụ huynh ở Hà Nội cho biết con của anh 10 tuổi, đã tiêm mũi 1 hôm 25-4, đến nay đã quá lịch tiêm mũi 2 nhưng đợi mãi không thấy thông báo tiêm như thời điểm mũi 1.
Họ cần sự thuận tiện trong tiêm chủng, như thông báo rõ các địa điểm sẽ tiêm mũi 4, loại vắc xin, đối tượng nên tiêm... đến điện thoại của người dân, để các gia đình có người trong diện cần tiêm chủng mũi 4 biết lịch tiêm và đến tiêm chủng.
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết thời điểm này việc tiêm chủng COVID-19 vẫn là tự nguyện kết hợp vận động. Làm sao để người dân thấy tiêm có tác dụng tốt và họ tự nguyện tiêm. Dù vắc xin còn nhiều nhưng không phải vì "ế" vắc xin mà bắt buộc tiêm, mà tách bạch việc tiêm chủng và việc sử dụng vắc xin.
TTO - Có bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19, việc tăng học phí đối với các cấp học như thế nào? Những câu hỏi này đã được giải đáp tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4-6.
Xem thêm: mth.11664123260602202-neyugn-ut-yah-coub-tab-91-divoc-nix-cav-meit/nv.ertiout