Bản án đã có hiệu lực từ năm 2012
Theo đơn khởi kiện ngày 29/01/2011 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Nguyễn Văn Tám (SN 1937, thường trú tại TT Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) trình bày: Ông có phần đất ngang 2,5m, dài 39,4m thuộc chiết thửa 500 (thửa cũ 497) diện tích 1.860m2 do ông đứng tên quyền sử dụng đất cấp ngày 20/3/1993, toạ lạc tại ấp Rạch Vẹt, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Phần đất này ông sử dụng làm lối đi từ nhà ông ra đường đi công cộng và ông đã lát đan trên lối đi này từ năm 2008. Lối đi này nằm giữa hai phần đất của ông Nguyễn Văn Năm (SN 57, người địa phương). Khi thực hiện việc đo đạc lại đất thì ông Năm ra chiếm đất nên ông làm đơn khởi kiện đòi lại đất theo hiện trạng đo đạc là 88.8m2.
Tại bản tự khai ngày 26/8/2011 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Nguyễn Văn Năm trình bày phần đất tranh chấp có nguồn gốc là của cha mẹ ông cho lại ông tư tháng 3/1977. Gia đình ông cho ông Tám sử dụng làm lối đi nhờ từ trước đến nay. Khi ông được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thì ông đã thế chấp vay vốn ngân hàng luôn nên không biết là đất ông bị cắt khoảng giữa cấp cho ông Tám. Đến khi chương trình đo lại đất thì ông mới phát hiện. Lối đi này từ trước tới nay vẫn để cho ông Tám đi và khi ông Tám lát đan thì ông có ra phụ giúp. Nay ông Tám kiện đòi lại đất thì ông không đồng ý.
Hiện trạng lối đi tranh chấp
Theo nhận định của TAND huyện Trà Ôn và TAND tỉnh Vĩnh Long cũng như Viện KSND tỉnh Vĩnh Long (sau khi ông Năm kháng án) tại bản án sơ thẩm ngày 14/9/2011 và bản án phúc thẩm ngày 15/3/2012, các bên đều cho rằng việc ông Năm và bà Thuận (vợ ông Năm) cho là phần bờ đi tranh chấp thuộc quyền sử dụng đất của ông, bà là không có căn cứ vì nguyên đơn là người sử dụng đất ổn định, lâu dài từ năm 1961 đến nay. Lối đi này ông Tám sử dụng cũng được nhiều người dân ở địa phương xác nhận và đây cũng là lối đi duy nhất mà gia đình ông Tám đi ra lộ công cộng. Mặt khác, tại công văn số 962/UBND-NC ngày 14/9/2011 của UBND huyện Trà Ôn xác định ông Tám được cấp GCNQSDĐ theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật và GCN vẫn còn giá trị pháp lý. Do đó, TAND hai cấp đều tuyên buộc gia đình ông Nguyễn Văn Năm phải giao lại cho gia đình ông Nguyễn Văn Tám phần đất nói trên. Bản án đã có hiệu lực pháp luật từ ngày tuyên án.
Cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm
Vụ việc tưởng chừng như đã xong xuôi nhưng trên thực tế cho tới nay đã hơn 10 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Tám vẫn chưa lấy lại được quyền quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp nói trên.
Theo đó, sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, ông Nguyễn Văn Tám đã có đơn yêu cầu thi hành án gửi tới Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đề nghị phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành khôi phục lại các cọc mốc trên thửa đất tranh chấp, tuy nhiên do gia đình ông Năm phản đối nên Chi cục đã báo cáo lên Cục THADS tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo tổ chức thi hành.
Theo đó, ngày 27/8/2013, Cục THADS tỉnh Vĩnh Long có ý kiến chỉ đạo "việc này theo hướng dẫn của Tổng cục THA thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án. Do đó, nếu các bên đương sự không thoả thuận được việc cắm mốc ranh, thì Chi cục THADS huyện Trà Ôn mời cơ quan chuyên môn và lực lượng hỗ trợ đến xác định ranh đất cho ông Tám, nếu gia đình ông Năm, bà Thuận có hành vi ngăn cản thì xử lý theo quy định của pháp luật về thi hành án."
Tuy đã có chỉ đạo rõ ràng, nhưng khi Chi cục THADS huyện Trà Ôn và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác định vị trí giáp ranh thì gia đình ông Năm tiếp tục có hành vi sử dụng hung khí ngăn cản khiến việc thi hành án không thành. Chi cục THADS huyện lại phải báo cáo lên Cục một lần nữa, trong đó có đề xuất truy cứu hình sự phía gia đình ông Năm về tội chống người thi hành công vụ.
Chi cục THADS huyện Trà Ôn
Vụ việc cứ kéo dài như vậy cho đến nay. Trong thời gian này, gia đình ông Năm đã tiến hành thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm nhưng đã bị TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bác bỏ do không có căn cứ. Tuy nhiên, điều kì lạ là phía Chi cục THADS huyện Trà Ôn và Cục THADS tỉnh Vĩnh Long sau này đều đột ngột thay đổi hoàn toàn thái độ khi cho rằng yêu cầu của phía gia đình ông Tám là không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án mà "đá" quá phía cơ quan tài nguyên môi trường.
Cụ thể, trong văn bản trả lời công dân số 101/CCTHADS của Chi cục THADS huyện Trà Ôn, cơ quan này cho biết "Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi hành án ngày 21/11/2018, đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo thống nhất với hướng giải quyết của Chi cục THADS huyện Trà Ôn. Chi cục THADS huyện không có thẩm quyền cắm mốc hoặc xác định mốc giới, ông Tám liên hệ cơ quan chuyên môn để được giải quyết thoả đáng hơn. Đối với số tiền 4.400.000 đồng (số tiền gia đình ông Năm phải thi hành án trả cho ông Tám), Chi cục THADS tiếp tục động viên gia đình ông Năm nộp để trả lại ông Tám, không thể tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản vì hoàn cảnh kinh tế gia đình ông Năm rất khó khăn, đang được hưởng trợ cấp xã hội." Cục THADS tỉnh Vĩnh Long cũng khẳng định "trường hợp trên thuộc thẩm quyền của Cơ quan Tài nguyên và Môi trường" bất chấp trước đó đã có văn bản thông báo "theo hướng dẫn của Tổng cục THA thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án".
Ngày 02/6 vừa qua, phóng viên Báo Điện tử VTV News đã có buổi làm việc tại Chi cục THADS huyện Trà Ôn. Tại đây, ông Nguyễn Thành Hướng – Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trà Ôn cho biết Chi cục không có thẩm quyền xử lý vụ việc của ông Năm. Khi được đề nghị cung cấp các công văn chỉ đạo, các văn bản liên quan đến vụ việc, ông Hướng cho biết Chi cục không lưu trữ bất cứ văn bản nào và không thể cung cấp. Về phía Cục THADS tỉnh Vĩnh Long, cơ quan này cũng chỉ cử cán bộ tiếp nhận thông tin báo chí để "làm văn bản gửi xuống Chi cục yêu cầu báo cáo".
Vụ việc đang đặt ra những ngờ vực về năng lực của cơ quan thi hành án tại địa phương. Và trong khi chờ phía Chi cục THADS huyện Trà Ôn "tiếp tục động viên gia đình ông Năm" thực hiện việc thi hành án, thì phía nguyên đơn, người được thi hành án vẫn đang mất đi quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bày tỏ quan điểm về vụ việc thi hành án bị kéo dài nêu trên, Luật sư Lê Ngọc Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết căn cứ theo Điều 9 của Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT/-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự thì "trường hợp phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án… thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, sửa chữa lỗi chính tả hoặc số liệu nhầm lẫn. Tòa án có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự. Văn bản trả lời của Tòa án là căn cứ để cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, quyết định thu hồi hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án đã ban hành hoặc để tiếp tục tổ chức việc thi hành án".
Còn trong trong trường hợp phát hiện có căn cứ để xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi đang tổ chức thi hành vụ việc cụ thể là Chi cục THADS huyện Trà Ôn có trách nhiệm kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đó chứ không thể "ngâm hồ sơ" thi hành án nhiều năm như vậy trong khi chính Tòa án nhân dân cấp cáo tại TP HCM ngày 25/9/2017 đã có văn bản thông báo giải quyết đơn đề nghị tái thẩm với kết luận "Không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 60/2012/DS-PT ngày 15/3/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long".
Như vậy, Chi cục THADS huyện Trà Ôn thực sự chưa làm hết trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án là ông Nguyễn Văn Tám.
Báo Điện tử VTV News sẽ tiếp tục đưa tin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!