Ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em - chia sẻ tại buổi tập huấn - Ảnh: VŨ THỦY
Buổi tập huấn về phòng chống lao động trẻ em và bảo vệ trẻ em do Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức.
Theo ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Việt Nam có hệ thống luật cũng như hệ thống tiếp nhận thông tin, mạng lưới can thiệp, bảo vệ trẻ em được xem là chặt chẽ, nhưng nhiều vụ việc xâm hại trẻ em, bạo hành trẻ em ở mức độ nặng nề vẫn xảy ra.
"Vụ việc bạo hành trẻ em ở một chung cư cao cấp dẫn đến tử vong xảy ra ở Bình Thạnh, TP.HCM khiến cả xã hội xôn xao, thủ phạm có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình thì ngay trong tháng sau lại diễn ra một vụ tương tự ở Thạch Thất, Hà Nội.
Với hệ thống luật hiện có, ‘đụng’ đến trẻ em bị xử rất nặng nhưng cần phổ biến pháp luật để xã hội biết luật, sợ luật", ông Nam nhấn mạnh.
Nói về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam dẫn lại một câu hỏi mà dư luận rất thường lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây: "Mười mấy cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng khi xảy ra vụ việc không có cơ quan nào chịu trách nhiệm".
Theo ông, chức năng bảo vệ, hỗ trợ trẻ em đã được phân cấp rất rõ ràng, các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em hoàn toàn có thể truy cứu được trách nhiệm vụ việc thuộc về cơ quan nào.
Trong đó, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình là không thể thay thế, chính quyền địa phương với chức năng quản lý trực tiếp cũng đóng vai trò rất quan trọng nhưng công tác bảo vệ trẻ em chưa được chú trọng.
Đồng thời, các chuyên gia tại buổi tập huấn cũng chỉ ra thực tế cộng đồng, xã hội nhìn chung vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em, không nhiều người chủ động tìm kiếm các thông tin về tổng đài, đường dây nóng bảo vệ trẻ em, nơi tiếp nhận thông tin về trẻ em…
"Thiếu thông tin và hiểu biết, thờ ơ, chưa tin tưởng vào hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em của Nhà nước là những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng.
Những vụ việc xảy ra gần đây, trẻ bị cho uống thuốc trừ sâu, trẻ khác lại bị đóng đinh vào đầu... người xung quanh biết, người trong nhà biết, nhưng không tố giác đến cơ quan chức năng và có hành động bảo vệ trẻ em.
Với nghị định 130/2021 có hiệu lực từ 1-1-2022 thì sắp tới đây các hành vi không thông báo, không cung cấp, hoặc che giấu thông tin, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sẽ bị xử lý", ông Nam nêu.
Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em trên mạng xã hội, báo chí… cũng sẽ bị xử lý.
Nhiều ý kiến tại tập huấn cũng nêu ra trách nhiệm của báo chí khi phản ánh các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo hành trẻ em.
Chẳng hạn khi có vụ việc xảy ra, các cơ quan như Cục Trẻ em nhận rất nhiều cuộc gọi của báo chí, báo chí "đưa thông tin rầm rập, đưa đi đưa lại một diễn biến", "biến vụ việc thành con mồi", đặc tả tình trạng, hoàn cảnh của nạn nhân để câu view, câu like nhưng thông tin xử lý vụ việc từ cơ quan chức năng, thi hành án… lại không đậm đặc để tạo ra được sự răn đe cần thiết.
TTO - Trách nhiệm của cộng đồng là phải lên tiếng thay vì cầu nguyện khi sự việc đã rồi. Luật trẻ em 2016 đã quy định rõ rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.