Trong 2 năm 2021-2022, với tổng đầu tư lên đến 33 triệu USD vào việc phát triển công nghệ kỹ thuật tại nhà máy, Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) đang khẳng định lời cam kết mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững tại thị trường ô tô Việt Nam.
Theo đó, Mercedes-Benz đã dùng số tiền nói trên để đầu tư vào 6 công nghệ sản xuất xe sang tiên tiến nhất thế giới; trong đó có một số công nghệ lần đầu tiên có mặt trong dây chuyền sản xuất - lắp ráp của Mercedes-Benz tại Việt Nam.
6 công nghệ này đã và đang được áp dụng trên dòng xe C-Class mới vừa được ra mắt tại Việt Nam. Đây có thể xem là bước tiến đánh dấu cột mốc lịch sử của nhà máy MBV kể từ năm 1995. Động thái này không chỉ là bước tiến trong quá trình chuyển đổi dần sang tự động hóa của nhà máy Mercedes-Benz tại Việt Nam, mà còn thể hiện sự nâng cấp mạnh mẽ trong việc cải tiến chất lượng, an toàn và trải nghiệm của người dùng.
Ông Klaus Schanz – Giám Đốc Điều Hành Nhà Máy Mercedes-Benz Việt Nam
Ông Klaus Schanz – Giám Đốc Điều Hành Nhà Máy Mercedes-Benz Việt Nam chia sẻ: "Với sự cải tiến này, chúng tôi có thể nâng cao tính hiệu quả, chất lượng sản phẩm cũng như tính linh hoạt trên dây chuyền sản xuất của mình lên một tầm cao mới.
Đồng thời đây cũng là cơ hội cho lực lượng sản xuất của chúng tôi được tiếp cận với công nghệ mới nhất thông qua chương trình đào tạo bởi các chuyên gia đến từ nhà máy chính của Mercedes-Benz Group AG".
Cũng theo ông, là nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, Mercedes-Benz được xem như biểu tượng của sự cấp tiến về công nghệ và kỹ thuật trong ngành công nghiệp tự động hóa. Hãng xe Ngôi sao ba cánh này luôn tâm niệm việc mình sẽ phải không ngừng nghiên cứu và cải tiến quy trình sản xuất lắp ráp xe nhằm tạo nên những chiếc xe đáng khao khát nhất thế giới.
Được kế thừa từ những công nghệ tối tân nhất của chuỗi nhà máy sản xuất - lắp ráp toàn cầu, Mercedes-Benz Việt Nam mong muốn tận dụng ưu thế vượt trội đó để từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất và lắp ráp xe trong nước.
6 công nghệ mới của nhà máy Mercedes-Benz Việt Nam bao gồm:
Công nghệ dây chuyền Tích hợp tại xưởng Thân Xe (Bodyshop), linh hoạt lên đến 4 mẫu xe: Dây chuyền xưởng sản xuất Thân xe được xây dựng trên các nền tảng chung nhằm tối ưu hóa đầu tư và giảm độ phức tạp. Lần đầu tiên nhà máy của MBV ứng dụng thành công một dây chuyền thân xe chung cho ít nhất 3 mẫu xe (E-Class, GLC và C-Class).
Sự cải tiến này đảm bảo tính linh hoạt trong quy trình sản xuất, và dây chuyền này có thể mở rộng sản xuất cho mẫu xe thứ 4 (chưa xác định) trong tương lai. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được phát triển tại nhà máy Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng của MBV trong việc hoàn thiện dây chuyền lắp ráp.
Công nghệ hàn đinh bằng robot: Những tiến bộ công nghệ đã giúp nhà máy cải thiện hiệu suất, chi phí sản xuất và tính chính xác. Nhờ vậy, vào thời điểm hiện tại Mercedes-Benz có thể bắt đầu sử dụng robot cho các quy trình trọng yếu của việc sản xuất thân xe cho các dòng xe lắp ráp trong nước (CKD), nhằm đảm bảo độ hiệu quả và tính chính xác cao.
Với khả năng làm việc của Robot, hiện nay nhà máy có thể nhanh chóng hàn hơn 150 điểm đinh trong vòng khoảng 20 phút trên mỗi trạm robot. Yếu tố này cũng tạo ra một lợi thế cho MBV trong việc đưa công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất trong nước, đồng thời đào tạo nhân viên làm quen và ứng dụng các tính năng cải tiến.
Công nghệ Eagle Eye đo cấu trúc hình học/tọa độ thân xe(CMM): Công nghệ Eagle Eye giúp đo cấu trúc hình học/tọa độ thân xe ở cấp độ vi mô, giúp phản ánh về hệ thống và quy trình sản xuất trên chuyền.
Công nghệ này đảm bảo việc đo thân xe được diễn ra chính xác hơn khi thực hiện trên các mặt phẳng có thiết kế phức tạp cũng như các đường viền trên thiết kế xe mới nhất. Eagle Eye sử dụng hình thức đo đạc không tiếp xúc (contactless measurement) với độ chính xác lên đến 70 micro-met, thu thập gần 1.900 điểm đo.
Công nghệ bơm bọt cách âm vào thân xe (2K AFA Foaming): Công nghệ bơm bọt cách âm vào thân xe được giới thiệu trong dòng C-Class là công nghệ bơm bọt cách âm tiên tiến được dùng để bơm bọt cách âm vào trong các khoang thân xe, nhằm triệt tiêu gần như hoàn toàn tiếng ồn và nâng cao trải nghiệm đi đường.
Đây là lần đầu tiên, MBV mang công nghệ này từ các nhà máy tân tiến nhất của Mercedes-Benz Group AG về thị trường Việt Nam.
Công nghệ bơm keo kính chắn gió bằng robot: Trong quy trình lắp ráp, việc bơm keo cho kính chắn gió phụ thuộc rất nhiều vào độ chính xác của đường keo trên chu vi kính. Đây là một bước đòi hỏi tính chính xác cao, vì vậy chúng tôi tiến hành sử dụng công nghệ bơm keo kính chắn gió bằng robot trong dây chuyền lắp ráp xe của mình. Bên cạnh đó, chất lượng đường keo sẽ được nâng cao khi công nghệ này được đưa vào sử dụng.
Trên thực tế, công nghệ này đã nâng cao hiệu suất đáng kể so với công nghệ cũ và đạt độ chính xác gần như tuyệt đối trên bề mặt kính chắn gió
Công nghệ lắp ráp gầm xe và hệ thống truyền động tiên tiến: Đối với nền tảng và các dòng xe trong tương lai, công nghệ lắp ráp gầm xe đã có những cải tiến. Do có sự thay đổi trong thiết kế của hệ thống xả, Mercedes-Benz sẽ lắp toàn bộ hệ thống truyền lực với thân xe (tương tự như ở các nhà máy nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Do đó, quy trình sản xuất xe trên khắp thế giới cũng sẽ được quy chuẩn hóa.
Quỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế