Tăng trưởng bán lẻ trực tuyến của Việt Nam được dự báo có mức tăng bình quân gần 30% từ nay đến năm 2025. Điều này giải thích lý do tại sao nhiều thương hiệu bán lẻ đang tập trung vào mô hình O2O (Online to Offline), thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến với cửa hàng của mình. Tuy nhiên, theo các đơn vị tư vấn giải pháp trực tuyến, nhiều dữ liệu của khách hàng gần như không được doanh nghiệp sử dụng đến. Hai kênh online và offline không thể bổ trợ cho nhau.
Khoảng 2 năm trở lại đây, anh Văn Anh (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) thường xuyên chọn hàng trên website, sau đó ra cửa hàng thử trực tiếp sản phẩm và quyết định mua hàng.
"Người ta có thể check cho mình mẫu đó ở đâu còn để mình đến xem trực tiếp. Vì mua trang sức, xem online chỉ là tham khảo, chắc chắn phải đến tận nơi xem", anh Nguyễn Văn Anh chia sẻ.
Tăng trưởng bán lẻ trực tuyến của Việt Nam được dự báo có mức tăng bình quân gần 30% từ nay đến năm 2025. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Báo cáo Vietnam Insight 2022 của Kantar cũng chỉ ra rằng, kênh online đang có một sự tăng trưởng đáng nể ở Việt Nam khi mất 9 năm để đạt được 1% thị phần, nhưng chỉ mất 3 năm kể từ 2019 để tăng thêm 4% thị phần.
Nhiều nhận định cho rằng, sự xuất hiện của O2O đã góp phần không nhỏ vào kết quả này. Tuy nhiên, theo các đơn vị tư vấn giải pháp trực tuyến, một doanh nghiệp có thể phát sinh hàng trăm triệu dữ liệu hành vi khách hàng mỗi tháng trên kênh online, nhưng nó đang bị lãng phí. Kênh online và offline chạy những chương trình quảng cáo và doanh số tách biệt nhau.
"Họ bị phân mảnh về dữ liệu, họ cần công cụ để tổng hợp dữ liệu. Thứ hai là cung cấp được nền tảng để các team sale, marketing sử dụng được dữ liệu của khách hàng an toàn", ông Nguyễn Minh Liêm, Giám đốc Điều hành, người sáng lập ByteTech, cho biết.
Một số chuỗi bán lẻ đều thừa nhận, dữ liệu khách hàng hiện nay rất nhiều, nhưng để đưa ra quyết định đúng và hiệu quả từ nguồn tài nguyên này là không đơn giản. Chi phí đầu tư nhiều nhất vẫn là công cụ để làm sạch dữ liệu và đưa ra quyết định phân bổ chi phí marketing hợp lý giữa online và offline.
Khó nhất với doanh nghiệp hiện nay vẫn là nguồn lực để có thể xử lý dữ liệu khách hàng, bao gồm cả nhân lực và đầu tư nguồn tài chính. Vì vậy, các đơn vị hạn chế về nguồn lực vẫn có tạm sử dụng những giải pháp được cung cấp sẵn để bước đầu xử lý dữ liệu.
VTV.vn - Theo CBRE, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu các nhà bán lẻ được khảo sát lựa chọn để mở rộng kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.16024925170602202-el-nab-peihgn-hnaod-iov-cuht-hcaht-o2o-hnih-om/et-hnik/nv.vtv