Xe chở các container tại cảng Ninh Ba - Chu Sơn ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào tháng 8-2021 - Ảnh: Reuters
Nói trên Đài CNN cuối tuần qua, bà Gina Raimondo - bộ trưởng Thương mại Mỹ - cho biết Tổng thống Biden đã yêu cầu cấp dưới xem xét phương án dỡ bỏ một số loại thuế quan áp lên hàng Trung Quốc dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump để đối phó mức lạm phát cao trong nước hiện nay.
Vẫn thiếu niềm tin
"Chúng tôi quyết định giữ nguyên một số mức thuế quan với thép và nhôm vì cần bảo vệ người lao động Mỹ và ngành công nghiệp thép trong nước. Đó là vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng các sản phẩm khác như hàng gia dụng, xe đạp... có thể hợp lý (để cân nhắc dỡ bỏ thuế quan)", bà Raimondo nói.
Giá xăng cao kỷ lục khiến cuộc sống của người Mỹ bị ảnh hưởng rất lớn. Những tuần gần đây, ông Biden nhiều lần nhấn mạnh đối phó lạm phát là "ưu tiên hàng đầu" của ông.
Nghiên cứu hồi tháng 3 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE, Mỹ) ước tính việc loại bỏ một loạt thuế quan, nhất là với hàng Trung Quốc, có thể kéo lạm phát ở Mỹ xuống 1,3 điểm phần trăm.
Chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên hơn 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi cáo buộc nước này đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ và buộc họ chuyển giao công nghệ. Sau đó Trung Quốc cũng áp thuế đáp trả Mỹ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tại Mỹ cho rằng kế hoạch dỡ bỏ thuế quan với hàng Trung Quốc của ông Biden sẽ không giúp ích nhiều cho việc giảm lạm phát, trong khi đó lại có thể tạo cho Bắc Kinh ưu thế trong quan hệ thương mại song phương.
Ông Bob Bilbruck, giám đốc điều hành Công ty tư vấn Captjur, đánh giá việc dỡ bỏ thuế quan sẽ "mãi mãi xoay chuyển tình thế cạnh tranh" theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ông cảnh báo việc dỡ bỏ thuế quan có thể sẽ là động thái đơn phương mà không có bất kỳ sự đáp lại thiện chí nào từ Trung Quốc.
"Việc dỡ bỏ thuế quan không giúp ích cho những thứ lạm phát cao nhất như xăng và thực phẩm. Và cũng không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ giảm giá hàng hóa họ xuất sang Mỹ chỉ vì chúng ta đã giảm thuế cho những sản phẩm này", ông nói thêm.
Trung Quốc hoài nghi
Trong khi đó, giới phân tích Trung Quốc bày tỏ nghi ngờ về ý định dỡ bỏ thuế quan của Mỹ. Theo Thời báo Hoàn Cầu, họ cho rằng bình luận của các quan chức như Bộ trưởng Raimondo chủ yếu vì động cơ chính trị, cụ thể là cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ trong tháng 11 tới. Họ nói việc giảm lạm phát ở Mỹ đòi hỏi Washington phải dỡ bỏ mọi thuế quan đã áp lên hàng Trung Quốc.
"Ở Mỹ, các quyết định về thuế quan không phải do Bộ Thương mại, mà do Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đưa ra. Vậy tại sao ông Biden lại yêu cầu bà Raimondo phân tích về việc bỏ thuế quan trong khi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai mới là người làm điều đó?", ông Cao Lăng Vân, chuyên gia thương mại tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, bình luận hôm 6-6.
Tại Mỹ, hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc dỡ bỏ thuế quan cho Trung Quốc để đối phó lạm phát. Cuối tháng 5, báo Washington Post đăng bình luận kêu gọi Nhà Trắng chuyển từ cách cư xử "cứng rắn" sang "thông minh" với Trung Quốc, bắt đầu bằng việc giảm bớt ít nhất một số loại thuế quan đắt đỏ.
Vấn đề này cũng đang gây chia rẽ trong nội bộ chính quyền ông Biden. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ ủng hộ dỡ bỏ một số thuế quan với các hàng Trung Quốc thuộc diện "không mang tính chiến lược nhiều nhưng gây tổn hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ".
Tuy nhiên, Hãng tin Reuters cho biết Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai muốn giữ nguyên các loại thuế này để phát triển chương trình nghị sự chiến lược hơn về thương mại với Trung Quốc. Bà Tai cho rằng Mỹ cần có cách tiếp cận chiến lược hơn đối với thuế quan để bảo vệ người lao động trong nước.
Theo trang Axios, hiện các công đoàn ở Mỹ cảnh báo ông Biden không dỡ bỏ thuế quan cho Trung Quốc. "Chính phủ của chúng ta phải hành động vì lợi ích quốc gia để củng cố nền kinh tế trong tương lai", ông Thomas Conway, chủ tịch Liên đoàn Công nhân ngành thép (USW), nói.
Mỹ miễn thuế pin cho 4 nước Đông Nam Á
Ngày 6-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố miễn thuế trong vòng 24 tháng cho tấm pin năng lượng mặt trời nhập từ 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Malaysia, nhằm thúc đẩy năng lượng sạch trong nước.
Theo tạp chí Nikkei Asia, quyết định này được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng tiềm tàng đối với các nhà nhập khẩu Mỹ và các nhà xuất khẩu tại 4 nước Đông Nam Á nói trên.
TTO - Chính quyền của Tổng thống Joe Biden bắt đầu xem xét lại nhóm thuế quan đầu tiên đối với hơn 300 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Xem thêm: mth.91055827080602202-couq-gnurt-gnah-iov-yat-ehn-euht-tob-aox-es-ym/nv.ertiout