Thuê học sinh, sinh viên, người ít hiểu biết pháp luật để mở các tài khoản ngân hàng, hoặc làm giả các giấy tờ để mở tài khoản rồi bán ra nước ngoài, theo cơ quan công an, những tài khoản không chính chủ này sẽ tiếp tay cho các tội phạm lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Nhóm đối tượng chuyên thực hiện hành vi mua bán tài khoản ngân hàng do Lê Thế Trung (37 tuổi) trú tại thành phố Hà Nội cầm đầu vừa bị Công an huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị bắt giữ.
Theo tài liệu điều tra, chỉ trong 2 năm qua, nhóm này đã thuê người dân mở trên 3.000 tài khoản ngân hàng với giá 400.000 đồng/tài khoản, sau đó bán ra nước ngoài với giá chênh lệch lên đến hàng chục lần.
Nhiều sim điện thoại và thẻ ngân hàng bị công an thu giữ.
"Em quen biết ông họ Lý, sau đó ông nhờ em thu thập thông tin tài khoản, tìm người để làm tài khoản rồi gửi sang Đài Loan để phục vụ cho mục đích chơi game online", đối tượng Lê Thế Trung khai nhận.
Nhóm đối tượng này còn thành lập công ty về lĩnh vực xây dựng để tiện lợi tìm kiếm khách hàng và giao dịch. Công an tỉnh Nghệ An đã bắt và triệu tập 10 đối tượng liên quan, thu giữ hàng trăm sim điện thoại, trong đó nhiều sim đã được kích hoạt mã OTP, đặc biệt nhiều tài khoản đã có giao dịch lên đến 400 tỷ đồng.
Tương tự, tuần trước, tại các tỉnh thành Hà Nội, Bắc Giang, nhiều đường dây mua bán trái phép tài khoản ngân hàng đã bị lực lượng công an triệt phá. Đáng chú ý, một nhóm đối tượng không dừng lại việc thu mua, mà còn làm giả các giấy tờ như chứng minh thư để mở nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau bán sang Camphuchia với giá 1 triệu/tài khoản.
"Tôi thấy mua bán thông tin tài khoản ngân hàng có thể kiếm lợi được nên tôi đã thuê các bạn sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đi mở tài khoản và thu mua lại. Tôi thực hiện bán lại cho các đối tượng cần mua", đối tượng Vũ Đức Anh khai nhận.
"Hậu quả của việc mua bán tài khoản ngân hàng sẽ gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan điều tra trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, ẩn danh, khó khăn trong quá trình truy nguồn gốc của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Thượng tá Vũ Văn Đấu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết.
Cơ quan Công an cũng xác định, nhiều tài khoản ngân hàng sau khi được các đối tượng bán lại sẽ được sử dụng trong những mục đích không rõ ràng, vi phạm pháp luật như việc chuyển và rút tiền trong những vụ án lừa đảo, sử dụng sim rác để đăng nhập Internet banking, liên kết mở các tài khoản ví điện tử khác để chiếm đoạt tiền.
VTV.vn - Lợi dụng tốc độ phát triển nhanh chóng của ví điện tử, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh thực hiện hành vi lừa đảo, nhằm trục lợi bất chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!