Thành viên nhóm Cà Phê Chị Em tự tin đứng quầy pha chế cà phê trong buổi ra mắt sản phẩm vừa qua - Ảnh: XUÂN TÙNG
Những ngày này, nếu không thấy Hoài tất bật trên đồi cà phê hay ngoài ruộng gặt, người ta cũng sẽ thấy chị luôn tay với rang xay, bao bì, đóng gói sản phẩm cùng tổ nhóm Cà Phê Chị Em - một mô hình chung vốn hợp tác của bốn chị em người dân tộc Thái trong thôn.
Nhóm đặt mục tiêu biến hạt cà phê Arabica quê hương thành sản phẩm phục vụ phân khúc cao nhất trên thị trường - cà phê đặc sản (specialty coffee).
Mỗi khi nhắc đến cây cà phê quê mình, giọng chị Hoài lại hồ hởi khác hẳn vẻ bẽn lẽn thường ngày, bởi chị đã đi theo Arabica được ngót 25 năm - từ ngày 16, 17 tuổi theo cha mẹ lên chăm nương cà phê.
Đến lúc lập gia đình, chị cũng lại tiếp quản 1,5 hecta cà phê của nhà chồng. Những năm 2002-2003 khi vợ chồng chưa có gì trong tay, Hoài đi làm thuê cho vườn cà phê của người Kinh bên cạnh, vừa để lấy tiền trang trải, vừa để học kinh nghiệm mang về chăm cây nhà mình.
"Lúc ấy đi chỉ làm thuê được nhận 10.000 đồng một ngày, vừa để nuôi con vừa mua phân bón chăm sóc cây cà phê", chị nhớ lại.
Sau vài năm thử, sai, Hoài cuối cùng cũng nắm được cách trồng xen cây bóng râm, cho gốc cà phê khỏe mạnh, trĩu quả. Thế nhưng nỗi bấp bênh đến đây vẫn chưa hết - không nắm được kỹ thuật chế biến, chị và các hộ nông khác vẫn nhận hết trái đắng của chuỗi giá trị nông sản.
Vì thiếu vốn và kỹ thuật, bà con Mường Ẳng vẫn chỉ quen bán quả tươi - sản phẩm cơ bản nhất, không qua chế biến, khiến họ thường xuyên bị thương lái ép giá, không bù được chi phí sản xuất. Cà phê thóc - đã qua lên men và phơi - có lợi nhuận tốt hơn, nhưng chi phí đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ là quá lớn.
Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhiều hộ không còn mặn mà đã phải chặt bỏ hàng nghìn hecta cây cà phê chuyển sang trồng cây ngắn ngày như ngô, sắn, chanh leo.
Dù vậy, Hoài vẫn quyết tâm giữ lại vườn cà phê gia đình, chăm chỉ làm việc lấy công làm lãi. Khi nhận được lời mời tham gia dự án cải tiến sản xuất và tiêu thụ nông sản của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, chị gật đầu ngay tắp lự.
"Hồi ấy cán bộ CARE hỏi mình có đam mê về cà phê không? Có quyết làm không? Mình chỉ trả lời: Bọn chị quyết làm, quyết sống với cà phê", Hoài kể.
Đến tháng 7-2019, nhóm Cà Phê Chị Em ra đời, với bốn hộ gia đình cùng góp công, cùng với một dàn máy móc, công nghệ được Chính phủ Úc tài trợ. Lần đầu tiên gánh vác cả một chuỗi sản xuất từ thu hái, ủ men, phơi nhà giàn đến rang xay, các chị em tham gia không khỏi choáng ngợp.
Dù vậy, nhờ việc tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật tại Hà Nội cũng như sau chuyến tham quan khu trồng cà phê Arabica tại Lâm Đồng, Hoài cùng các thành viên cũng dần tự tin hơn.
Đến tháng 5 vừa qua, những gói cà phê đầu tiên của tổ nhóm đã chính thức được ra mắt trong một buổi lễ trịnh trọng mà ấm cúng ngay khuôn viên sân nhà Hoài.
Các chị em thành viên nhóm vận trang phục Thái với tóc búi cao, thay nhau đứng pha cà phê bằng chiếc máy espresso lớn, vốn chỉ thấy trong các tiệm cà phê hạng sang ở thành phố.
Các gói cà phê màu bạc cũng được dán nhãn "specialty coffee" - phân khúc cà phê cao cấp mà nhóm đang hướng tới. Phục vụ cả trăm ly trong một buổi sáng cho quan khách, vậy nhưng chẳng ai kêu mệt.
Có được sản phẩm trong tay mới chỉ là bước đầu. Hoài và các chị em đang ấp ủ hàng loạt dự định khác, từ mở homestay trải nghiệm cà phê cho khách du lịch, đăng ký làm sản phẩm đại diện địa phương trong chương trình OCOP quốc gia, hay mở rộng chương trình thu mua cà phê sang các hộ "vệ tinh" trong bản để kéo họ lên cùng trong nấc thang chuỗi giá trị. Nhóm cũng đang gấp rút chuẩn bị để mang sản phẩm đến cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam năm tới.
Tay trắng lập nghiệp trên đất khách quê người, Khanh Ngô, triệu phú tự thân người Mỹ gốc Việt, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm start-up rất bổ ích, đặc biệt giá trị cho các bạn trẻ đã và đang thực hiện giấc mơ khởi nghiệp từ ‘hai bàn tay trắng’.
Xem thêm: mth.75060552270602202-neib-neid-gnal-nab-auig-nas-cad-ehp-ac-om-caig/nv.ertiout