HĐQT Công ty Cổ phần Nam Việt (MCK: ANV) vừa công bố thông qua nghị quyết về việc vay vốn ông Doãn Tới, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Theo đó, ông Doãn Tới sẽ cho Nam Việt vay 122,5 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng, lãi suất vay là 7%/năm.
Trước đó, theo BCTC của công ty công bố, tính tới hết quý I/2022, Nam Việt vẫn đang có khoản nợ ngắn hạn phải trả ông Doãn Tới là hơn 490 tỷ đồng và vợ ông Tới, bà Dương Thị Kim Hương là 40 tỷ đồng. Riêng số nợ với ông Doãn Tới chiếm 26% tổng số nợ của Nam Việt (1.879 tỷ đồng).
Như vậy tính thêm khoản nợ 122,5 tỷ đồng mới đây được HĐQT thông qua vay vốn thì vợ chồng ông Doãn Tới đã cho công ty vay tổng cộng tới 653 tỷ đồng.
Ông Doãn Tới sinh năm 1954, quê quán ở Thanh Hoá và có trình độ chuyên môn cử nhân Luật. Ông là nhà sáng lập Nam Việt với tiền thân từ công Ty TNHH Nam Việt hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp được thành lập từ năm 1993.
Sau đó, doanh nhân này mở rộng thêm kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản từ năm 2000 với dấu mốc đầu tiên là sự ra đời của nhà máy đông lạnh Nam Việt chuyên chế biến cá tra, cá ba sa do ông Tới làm giám đốc. Sau nhiều lần thay đổi nhiều vị trí tại công ty, đến nay ông Doãn Tới đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại cá tra Nam Việt.
Hiện ông Doãn Tới đang là cổ đông lớn nhất của Nam Việt, với 71,8 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm tỉ lệ 56,3% cổ phần công ty.
Bên cạnh đó, hai con trai của ông Tới cũng là cổ đông lớn tại doanh nghiệp. Cụ thể, Doãn Chí Thanh, Giám đốc khối kinh doanh, nắm giữ 17,16 triệu cổ phiếu và ông Doãn Chí Thiên, trợ lý Tổng Giám đốc cũng sở hữu hơn 9 triệu cổ phiếu. Tổng sở hữu của vị lãnh đạo và người nhà này đã chiếm gần 77% vốn của Nam Việt.
Mới đây, Nam Việt cũng đã công bố kết quả kinh doanh trong tháng 4/2022 với doanh thu đạt 433 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu tháng 4 của Nam Việt đến từ ba mảng chính, trong đó sản phẩm cá chiếm 78%, dầu cá chiếm 10% và chả cá chiếm 8% tổng doanh thu.
Doanh thu tháng 4 của Nam Việt đến chủ yếu từ thị trường nội địa, chiếm khoảng 32,6%, lớn thứ 2 là thị trường Thái Lan, chiếm khoảng 16,4%. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc, chiếm 7,3%, thị trường Mexico chiếm 6,4% và thị trường Brazil khoảng 3,8%. Đây là 5 thị trường lớn nhất của cá tra Nam Việt.
Luỹ kế 4 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 1.644 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng, đạt 45% mục tiêu cả năm. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 19% lên 32% sau 4 tháng kinh doanh.
Trong bối cảnh ngành cá tra khởi sắc, năm 2022, Nam Việt đặt kế hoạch doanh thu 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng; tăng lần lượt 40% và 377% so với thực hiện năm 2021.
Trên thị trường, cổ phiếu ANV đang là một trong những mã cổ phiếu được quan tâm khi liên tục giữ được đà tăng trưởng ổn định từ cuối tháng 1 cho đến nay, từ vùng giá 27.200 đồng/cổ phiếu lên mức 59.200 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 8/6).
Cổ phiếu này đang được hưởng lợi từ làn sóng tăng trưởng chung của toàn ngành thủy sản nhờ sự lạc quan đối với kết quả kinh doanh của ngành trong quý đầu năm 2022.