Các bị cáo kháng cáo được VKS đề nghị giảm án
Chiều 7/6, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Sadeco tiếp tục với phần xét hỏi và tranh luận.
Trả lời trước tòa, bị cáo Tất Thành Cang tiếp tục thừa nhận có bút phê ký “Đồng ý” vào Tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM với giá phát hành cổ phần được xác định là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược do Văn phòng Thành ủy Tp.HCM trình lên.
Tuy nhiên, theo bị cáo Cang, nội dung tờ trình 1148 dựa trên tờ trình 12A nhưng nội dung tờ trình này đã bị thay đổi sau đó. Tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy được xây dựng dựa trên Tờ trình 12A và không nêu tên nhà đầu tư.
Bản thân bị cáo chỉ biết đến tờ trình số 13, trong đó có nêu tên nhà đầu tư là Công ty Nguyễn Kim khi bị cáo làm việc với cơ quan điều tra.
Từ đó, bị cáo Cang cho rằng mình chỉ là nạn nhân của hành vi gian dối khi tờ trình số 13 bị ngụy tạo.
Tuy nhiên, các giải thích trên của bị cáo Cang không được đại diện VKSND Cấp cao tại Tp.HCM chấp thuận.
Theo đại diện VKS, bị cáo Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ, nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định.
Vốn điều lệ của Sadeco tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.
Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco phải đấu giá.
Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và Sadeco đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kimvới giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát 669 tỷ đồng cho nhóm cổ đông Nhà nước.
Ngày 19/10/2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỷ đồng là số tiền mà công ty này mua cổ phiếu của Sadeco. Tuy nhiên, số tiền này không được dùng để tăng vốn điều lệ, mà Sadeco đã gửi vào ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng để lấy lãi.
Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỉ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,5%). Trong khi cổ đông chiến lược của Sadeco là Công ty Nguyễn Kim chiếm hơn 54% vốn điều lệ.
Ngày 14/8/2018, Sadeco họp Đại hội cổ đông thống nhất giao HĐQT đàm phán với Công ty Nguyễn Kim để hủy hợp đồng hợp tác đầu tư.
Ngày 17/10/2019, Sadeco ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với đối tác với Công ty Nguyễn Kim, hoàn trả lại cho Công ty Nguyễn Kim 360 tỷ đồng, còn Sadeco được nhận lại 9 triệu cổ phần.
Cáo trạng xác định, bị cáo Tề Trí Dũng đóng vai trò chủ mưu, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một số hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Sadeco 1.103 tỷ đồng.
Bị cáo Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM tại Sadeco (16,7%) là 184 tỷ đồng.
Theo đại diện VKS, bản án sơ thẩm cáo buộc các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai. Do đó không có cơ sở xem xét kháng cáo kêu oan của một số bị cáo.
Tuy nhiên, quá trình xét xử, đại diện VKS ghi nhận bị cáo Tất Thành Cang có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt nên đề nghị HĐXX xem xét giảm cho bị cáo Cang một phần hình phạt. Cụ thể, đại diện VKS đề nghị tòa giảm từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù giam cho bị cáo Cang (án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Cang 10 năm tù).
Một số bị cáo khác trong vụ án như Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc, thành viên HĐTV IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco cũng được đề nghị giảm án từ 6 tháng đến 1 năm tù so với án sơ thẩm (án sơ thẩm tuyên bị cáo Dũng 20 năm tù); bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng giám đốc Sadeco được đề nghị giảm 1 đến 2 năm tù (án sơ thẩm tuyên 16 năm tù).
Lý do đại diện VKS đưa ra làm căn cứ giảm án cho các bị cáo nói trên là do các bị cáo thành khẩn khai báo, đã khắc phục một phần thiệt hại.
Nhóm 8 bị cáo còn lại có kháng cáo cũng được đại diện VKS đề nghị hội đồng xét xử chấp thuận.
Đối với kháng cáo của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn – Sadeco (Sadeco là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC) đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo Tề Trí Dũng’ Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng giám đốc Sadeco và các đồng phạm bồi thường 2,8 tỷ đồng, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 của Sadeco (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 lên 260 tỷ đồng.
Sadeco đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư Tp.HCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Sadeco với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỷ đồng. Đại diện VKS cho rằng không có căn cứ chấp thuận nên đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo.
Bị cáo Tất Thành Cang bật khóc tại tòa
Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang cho rằng nhận trách nhiệm đã thiếu sót trong công tác kiểm tra do công việc của Phó Bí thư thường trực Thành ủy quá nhiều.
Theo bị cáo Cang, bị cáo do thiếu kiểm tra, tin tưởng vào báo cáo của Văn phogn2 Thành ủy Tp.HCM mà không phát hiện tờ trình 12A giả mạo để ngăn chặn kịp thời.
“Bị cáo đã quá tin vào cơ quan chủ sở hữu, không hình dung ra việc cán bộ văn phòng cấp ủy tự ý thay đổi 1 tờ trình của tập thể đã được cho ý kiến” bị cáo Cang nói.
Cũng theo bị cáo Cang, tờ trình 1148 chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chứ không phải phát hành cho cổ đông duy nhất.
“Bị cáo khẳng định việc phê duyệt “Đồng ý” là vô tư, không hề có mục đích nào khác, không có mục đích vụ lợi cá nhân”, bị cáo Cang trình bày rồi bật khóc.
Nhóm nhiều bị cáo có kháng cáo khác trong vụ án cũng bày tỏ cảm ơn với đại diện VKS đã đề nghị giàm án cho mình, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét toàn diện vụ án để có bản án công minh nhất.
Hôm nay (8/4), phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận…