Vòng đời của Bugatti Chiron cũng có thể coi là giai đoạn thành công nhất của thương hiệu chủ quản Pháp - Ảnh: Bugatti
Trong một bài báo đăng tải vào năm 2013, Business Insider trích dẫn phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Bernstein Research, siêu xe Bugatti Veyron khi đó là "hố đen" làm thâm hụt tài chính của cả Bugatti và Tập đoàn Volkswagen. Phía tập đoàn chủ quản Đức được cho là lỗ khoảng 6,24 triệu USD cho mỗi chiếc Bugatti Veyron bán ra thị trường trong vòng đời 10 năm của xe.
Nếu con số trên là chính xác, Bugatti/Volkswagen lỗ khoảng 2,8 tỉ USD cho một mình dự án nói trên - con số quả thực khó tin. Chính thương hiệu xứ Molsheim khi đó cũng khẳng định số liệu do Bernstein Research công bố là không có cơ sở, trong khi về phần mình, công ty này cũng cho biết họ chỉ ước tính con số trên với độ chính xác không quá cao mà thôi.
Mỗi chiếc Chiron xuất xưởng đều được cá nhân hóa rõ rệt giúp mang lại lợi nhuận đáng kể cho Bugatti - Ảnh: Bugatti
Dù vậy, có thể khẳng định việc Bugatti/Volkswagen không lời với Veyron có lẽ là sự thực. Công đoạn phát triển Bugatti Veyron được cho là cực kỳ tốn kém, với khoản tiền khổng lồ đổ cho động cơ W16 và hộp số ly hợp kép tự động Ricardo, khiến hãng khó lòng bán xe mà có lãi ở bất cứ mức giá hợp lý nào.
Tuy nhiên, hậu duệ Veyron là Chiron thì khác, khi theo CEO hiện tại là Mate Rimac, họ đạt lãi tốt trên cả 500 đầu xe bán ra. "Nhiều người sẽ bất ngờ nếu biết mỗi xe Bugatti Chiron lãi thế nào. Tôi cũng vậy", ông chia sẻ.
Mỗi xe Bugatti dù là xe thật hay xe đồ chơi đều được chế tác thủ công tinh xảo trong hàng trăm tới hàng ngàn giờ công - Ảnh: Bugatti
Ngay cả với kết quả như vậy, vị CEO cũng khẳng định nếu nhìn rộng hơn về mặt kinh doanh, Bugatti Chiron không quá thành công. Khoản tiền đầu tư cho công đoạn phát triển Chiron vẫn quá lớn (dù xe dùng lại 2 yếu tố cực kỳ đắt đỏ của Veyron là động cơ và hộp số), thậm chí lớn hơn cả tiền phát triển siêu xe Rimac Nevera từ đầu tới cuối.
Nguyên nhân khiến chi phí phát triển Veyron/Chiron cao khủng khiếp là do sự cẩn thận của Bugatti/Volkswagen, khi rất nhiều công đoạn phát triển được hiện thực hóa để thử nghiệm ngoài đời thực cho cẩn thận. Cũng vì vậy mà khi Chiron kết thúc vòng đời, Volkswagen đã phải ngay lập tức đối mặt với bài toán là liệu có nên làm một siêu xe đắt đỏ như vậy nữa không?
Động cơ W16 của Bugatti Veyron/Chiron tới nay vẫn thuộc diện độc nhất vô nhị trên thị trường - Ảnh: Bugatti
Nếu không muốn rủi ro cũng như buộc phải đầu tư một khoản tiền lớn mà lợi nhuận thu về phải chờ 5 - 10 năm nữa, Volkswagen sẽ phải bán Bugatti. Họ đã làm điều đó với bên mua là Rimac.
Về phần Rimac, việc thâu tóm được Bugatti cũng là một thành công với họ, khi kinh nghiệm chế tạo siêu xe điện hiệu suất cao của công ty Croatia cho phép hãng nâng cấp động cơ W16 trên bằng công nghệ điện hóa để sử dụng cho siêu xe kế nhiệm Chiron.
Dòng siêu xe Bugatti mới sẽ ra mắt vào năm 2024 với "nhiều tính năng chưa từng xuất hiện trên thị trường".
Chỉ có 10 siêu xe Bugatti Centodieci được sản xuất. Và mỗi cabin mất tới 16 tuần để hoàn thành.
Xem thêm: mth.74055224080602202-v-ol-naot-iv-ex-ueis-mal-os-ittagub/nv.ertiout