Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã thi thành công vào ngân hàng làm công việc quản lý tài chính. Trừ nửa năm đầu làm công việc tương đối vất vả, tôi hầu như đã có thu nhập năm chữ số mỗi tháng (đơn vị: tệ). Tuy nhiên, khi nghỉ việc sau bốn năm làm ở đó, tôi ngạc nhiên khi thấy số tiền tiết kiệm của tôi chỉ có hơn 20.000 tệ (khoảng 70 triệu). Thật xấu hổ khi phải nói rằng một người tốt nghiệp chuyên ngành tài chính lại không thể quản lý tốt tiền bạc của chính mình. Khi ấy, tôi đã phải suy nghĩ kĩ lại về cách sống của mình.
Khi đến Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 2017, tôi đã mua hai vali mỹ phẩm trang điểm và mỹ phẩm chăm sóc da. Gần một nửa sản phẩm trong đó đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn chưa khui hộp. Trước khi vào ngân hàng, tôi là một cô gái sống khá giản dị. Tuy nhiên, những đồng nghiệp tại ngân hàng đa phần là nữ, họ trẻ đẹp, ăn mặc thời thượng sau giờ làm việc nên tôi cũng muốn tút tát lại bản thân để không trở nên mờ nhạt.
Vào thời điểm tiêu xài hoang phí nhất, tôi đã mua hai cốc Starbucks mỗi sáng và tối. Tuy không hợp khẩu vị nhưng vì thấy ai cũng cầm trên tay, nên tôi nghĩ đó là thời thượng.
Có lẽ lí do là vì cuộc sống của gia đình tôi có thể coi là đầy đủ, nên việc tôi tiêu tiền hay hơi hoang phí một chút cũng không phải vấn đề gì lớn. Vì mê văn hoá Nhật Bản nên tôi cũng thường xuyên sưu tầm các mô hình với giá khá đắt đỏ. Mặc dù tôi không mua đồ xa xỉ, cũng không có một sở thích sang chảnh nào, nhưng số tiền tôi chi cho các trò chơi và mô hình nhân vật đã gấp mấy lần số tiền của những người khác.
Không chỉ tiêu xài có phần hơi hoang, cách tôi đầu tư cũng khá bừa bãi. Trước đây, dựa vào bản thân học và làm trong ngành tài chính, tôi tương đối rành lĩnh vực này và phong cách đầu tư cũng rất quyết liệt. Nhưng tôi từng mất gần 50% số tiền đầu tư. Điều đó cũng cho tôi một cái nhìn sâu sắc thực sự về lòng tham, và hiểu sâu hơn về rủi ro.
Sau khi phát hiện ra vấn đề, tôi đã thiết kế lại kế hoạch tài chính của mình: Đầu tiên, tiến hành kiểm kê kỹ lưỡng tất cả các vật dụng, vứt bỏ tất cả túi xách, mỹ phẩm và sách vở không dùng đến, đóng gói và vứt bỏ tất cả những thứ không thể xử lý được.
Thứ hai, 6 trong số 8 thẻ tín dụng đã bị hạn chế, chỉ để lại một thẻ để sử dụng hàng ngày, và một thẻ chứa tiền tiết kiệm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Thứ ba, kiểm soát các khoản chi, xác định tỷ lệ tiền tiêu cho quần áo, thực phẩm, nhà ở và phương tiện đi lại, đồng thời đặt thời gian sử dụng cho ứng dụng mua sắm (hết thời gian hạn định sẽ không thể truy cập ứng dụng để mua nữa).
Cuối cùng, về đầu tư, tôi chuyển sang quỹ đầu tư cố định và cũng mua một ít vàng để tiết kiệm. Sau khi làm việc này trong hơn hai năm, tôi có thể tiết kiệm hơn một nửa thu nhập hàng năm của mình, đó là khoảng 100.000 tệ (khoảng 347 triệu). Tuy không quá nhiều, nhưng tôi cảm thấy hài lòng vì sự quyết tâm của bản thân cũng như số tiền trong tài khoản tiết kiệm.
(Ảnh minh hoạ)
Dưới đây sẽ là 4 thói quen về tiết kiệm tôi đã áp dụng thực sự có hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:
Đầu tiên là thay đổi trong nhận thức về chuyện tiền bạc. Không phải ai cũng được giáo dục tài chính từ khi còn nhỏ. Nhiều người có thái độ không muốn nhắc đến tiền bạc, một mặt họ cảm thấy nói về tiền bạc là thô tục và đáng xấu hổ, mặt khác, họ sợ sẽ không kiềm chế được ham muốn vật chất của mình. Trên thực tế, bản thân tiền bạc là trung tính, không có sự phân biệt giữa thiện và ác. Bạn muốn làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, nhận ra giá trị của bản thân và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn là một ý tưởng bình thường. Vì vậy, bước đầu tiên để giữ tiền bên mình là hãy thay đổi nhận thức về tiền bạc, tìm hiểu các cách kiếm tiền và các kiến thức về quản lý tài chính.
Thứ hai, đặt “KPI” tiết kiệm. Đừng coi việc quản lý tài chính như một sở thích mà hãy coi đó là một công việc nghiêm túc. Đặt cho mình một kế hoạch lợi nhuận và các mục tiêu trong năm, giống như bạn làm với công việc, sẽ giúp bạn dễ dàng thực hiện nó hơn. Ví dụ, tôi dự định tiết kiệm 25% thu nhập mỗi tháng và phải đạt được “KPI" này.
Thứ ba, đừng coi thường những khoản chi tuy ít nhưng lại có tần suất nhiều lần trong một tuần. Bạn đã nghe thuật ngữ "hiệu ứng latte" chưa? Một tách cà phê latte có giá 20 tệ (khoảng 70 ngàn), đăng ký thành viên VIP trên nền tảng xem phim có giá 10 tệ/ tháng (khoảng 35 ngàn), thẻ nạp game hàng tháng có giá 30 tệ (khoảng 100 ngàn). Những khoản chi phí này tưởng chừng như không đáng kể nhưng cộng lại là một con số khủng khiếp.
(Ảnh minh hoạ)
Thứ tư, hãy đầu tư vào bản thân. Nguồn đầu tư chắc chắn duy nhất trên thế giới này là cải thiện giá trị và tư duy của bản thân. Sử dụng số tiền bạn tiết kiệm được để học các kỹ năng, mua sách, nghe giảng, đi du lịch… vừa có thể khiến bản thân được thư giãn, đồng thời được tiếp xúc với những kiến thức mới. Điều này sẽ khiến bản thân có giá trị hơn và tăng thêm động lực để kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng ta không thể xác định độ dài của cuộc đời, nhưng chúng ta có thể mở rộng bề rộng của cuộc đời mà, đúng không?
https://kenh14.vn/nghi-uong-starbucks-la-thoi-thuong-nen-mua-2-ly--ngay-du-khong-hop-toi-da-bot-hoang-phi-va-tiet-kiem-hang-tram-trieu-nhu-the-nao-20220608000345666.chnTheo Cô Chang
Trí Thức Trẻ