Nội dung này nằm trong Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, vừa được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký.
Mục tiêu cụ thể đề án là thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao, phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng tham gia thí điểm đạt tối thiểu 10-11%. Đến năm 2025, CAR các ngân hàng áp dụng Basel II nâng cao đạt tối thiểu 11-12%, hướng tới trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Để đạt mục tiêu này, đề án nêu một số nhóm giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Trong đó, các nhà băng xây dựng phương án và triển khai các giải pháp phù hợp, gồm tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn, nâng cao năng lực quản trị, điều hành. Đồng thời, đề án khuyến khích các ngân hàng tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh.
Dựa trên số liệu giám sát, đánh giá của kiểm toán độc lập, các ngân hàng, công ty tài chính sẽ được phân thành ba nhóm, gồm nhóm có tiềm lực tài chính, quy mô lớn; nhóm quy mô nhỏ, trung bình và nhóm hoạt động yếu, yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đến năm 2025, nhóm ngân hàng được xác định có tiềm lực tài chính, quy mô lớn phải đạt vốn điều lệ tối thiểu 15.000 tỷ đồng. Nhóm nhà băng quy mô nhỏ và trung bình, ngân hàng có vốn nước ngoài đạt vốn điều lệ tối thiểu 5.000 tỷ đồng. Với các công ty tài chính, vốn điều lệ tối thiểu phải đạt 750 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm yếu, yếu kém thực hiện phương án cơ cấu lại, tăng vốn do cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các rủi ro.
Về nợ xấu, các nhà băng phải đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp, thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định. Mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ tiềm ẩn, ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng yếu kém).
Hôm nay, tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có phương án xử lý các ngân hàng 0 đồng.
Tại Báo cáo gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội trước đó, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á.
Các biện pháp được đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn...
Minh Sơn