vĐồng tin tức tài chính 365

Những lựa chọn cho Malaysia để chống lạm phát lương thực

2022-06-09 03:43

Theo Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Malaysia (SERC) Lee Heng Guie, lạm phát đang tác động mạnh đến giá thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng nhận thấy hóa đơn hàng tạp hóa của họ tăng dần và những người làm công ăn lương phải trả nhiều tiền hơn cho các bữa ăn. Chỉ số giá tiêu dùng cho các loại thực phẩm như rau, ngũ cốc và thịt đã tăng lên.

Lạm phát lương thực gia tăng đã tác động mạnh vào thu nhập khả dụng của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình để chi tiêu cho các khoản chi tiêu thiết yếu. Đây cũng là nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và các nước thu nhập thấp đã trải qua tình trạng thiếu ngoại hối và dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc giá lương thực.

Áp lực lạm phát lương thực

Giá lương thực đã tăng trong những năm trước đại dịch COVID-19 do sự thúc đẩy của cả cung và cầu. Nhu cầu tăng bắt nguồn từ tăng trưởng kinh tế tốt hơn, sức mua tăng và áp lực dân số. Trong khi đó, sản xuất lương thực bị hạn chế do sản lượng canh tác không đồng đều, biến đổi khí hậu (thu hoạch kém), chi phí sản xuất tăng, dịch bệnh, chất lượng và sản lượng thay đổi.

Nguyên nhân thứ hai là cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra vẫn kéo dài, dẫn đến các biện pháp đóng cửa và hạn chế di chuyển. Gián đoạn nguồn cung khiến giá thực phẩm tăng vọt. Sau khi tái mở cửa nền kinh tế, nhu cầu bị dồn nén được giải phóng đã gây áp lực lớn hơn so với khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, khiến đẩy giá cả lên cao hơn.

Chi phí kinh doanh và giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất và chế biến thực phẩm đều tăng lên, và điều này sẽ dần phản ánh trong giá tiêu dùng với thời gian trễ ít nhất là 6 tháng hoặc sớm hơn nếu các nhà sản xuất không thể thích ứng với chi phí ngày càng tăng này. Kể từ cuối năm 2019 đến cuối tháng 4/2022, chỉ số giá lương thực của Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng 54%, với thịt gà tăng 83,4%, ngô tăng 108,5% và đậu nành tăng 88,1%.

Bên cạnh đó, đại dịch đã làm tăng chi phí vận chuyển cũng như các dịch vụ giao hàng cho khách hàng. Xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 tiếp tục làm trầm trọng thêm sự gián đoạn nguồn cung và đẩy giá hàng hóa (ngô và lúa mỳ), giá năng lượng, vật liệu công nghiệp, phân bón và thức ăn chăn nuôi cao hơn trong thời gian dài. Giá lúa mỳ cao hơn sẽ dẫn đến giá lương thực tăng lên trong khi thức ăn chăn nuôi và phân bón đắt hơn làm tăng chi phí sản xuất lương thực.

Mỹ tăng lãi suất và khiến đồng USD mạnh hơn. Do hầu hết các mặt hàng thực phẩm được giao dịch bằng USD, do vậy các quốc gia có đồng tiền yếu hơn đã chứng kiến hóa đơn nhập khẩu thực phẩm tăng lên.

Giá cả tăng đã thúc đẩy một số quốc gia thực hiện các biện pháp can thiệp ngắn hạn như trợ cấp, kiểm soát giá và áp dụng giá trần. Bên cạnh đó là các biện pháp tạm thời giảm thuế nhập khẩu và áp đặt các hạn chế xuất khẩu để duy trì hoặc cải thiện nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, những diễn biến toàn cầu không thuận lợi gây ra áp lực lớn hơn đến giá thị trường nông sản, khiến các biện pháp này đạt được ít thành công.

Về phía Malaysia, việc hội nhập thị trường nội địa của nước này với thị trường toàn cầu có nghĩa là các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng toàn cầu về cung và cầu thực phẩm cũng như tác động do lạm phát lương thực.

Tỷ lệ các mặt hàng nông nghiệp mà Malaysia phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước đã tăng lên 13,7% từ 7,3% trong khoảng thời gian 28 năm (1987-2015). Năm 2020, 8 mặt hàng có tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu (IDR) vượt quá 50% bao gồm mực nang (52,2%), sữa tươi (53,5%), bắp cải tròn (63,6%), ớt (72,4%), thịt bò (78,1%), gừng (81,5%), xoài (86,2%) và thịt cừu (90,4%).

Đảm bảo an ninh lương thực, khả năng chi trả và ổn định giá cả vẫn là ưu tiên quốc gia và cũng là những nhiệm vụ phức tạp. Cả chính phủ và khu vực tư nhân cần phối hợp cùng nhau để đảm bảo cung cấp lương thực bền vững.

Những lựa chọn cho Malaysia để chống lạm phát lương thực - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Kế hoạch hành động

Một số biện pháp ngắn hạn như trợ cấp và kiểm soát giá trần đối với các mặt hàng thực phẩm/nguyên liệu (cho người tiêu dùng và nhà sản xuất), và lệnh cấm xuất khẩu thịt gà đã được thực hiện. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp của chính phủ và việc áp đặt giá trần để kiểm soát giá thực phẩm sẽ tạo gánh nặng cho thâm hụt ngân sách dai dẳng, và có thể gây ra rủi ro đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Do đó, trợ cấp lương thực nên dành cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương thông qua phiếu/tem lương thực hoặc hỗ trợ tiền mặt. Một phần ngân sách khác có thể được sử dụng để thúc đẩy các chương trình sản xuất lương thực. Giá trần và các biện pháp kiểm soát giá khác không thể giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực. Việc cố gắng định giá ở mức thấp hơn sẽ chỉ gây áp lực đối với nhu cầu hiện tại, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tồi tệ hơn.

Đối với các nhà sản xuất, nếu mức trợ giá và giá trần được đặt ở mức thấp hơn giá thành của họ, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và giảm nguồn cung. Trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế nghiêm trọng do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh và sự gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, hiện vẫn chưa rõ liệu việc kiểm soát giá có khuyến khích nhà cung cấp và nhà sản xuất tăng sản lượng hay không.

Để đảm bảo tính bền vững của ngành nông nghiệp và an ninh lương thực, các chuyên gia của SERC đề xuất các kế hoạch hành động trong ngắn hạn và trung hạn:

Thứ nhất, ngăn chặn sự can thiệp của thị trường. Mặc dù các biện pháp can thiệp của chính phủ có mục đích tốt, nhưng chúng thường phản tác dụng. Các biện pháp này có thể bóp méo hoạt động của thị trường và sự phân bổ nguồn lực cũng như không khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Trọng tâm hàng đầu của chính phủ nên là tạo ra sự cạnh tranh (chứ không phải bảo hộ) trong mọi phân khúc của chuỗi cung ứng thực phẩm (nhà sản xuất, thu mua, dự trữ và hệ thống phân phối thực phẩm) để giảm chi phí, hạn chế những kẽ hở trong hệ thống quản lý thực phẩm.

Thứ hai, khuyến khích phổ biến công nghệ và canh tác thông minh. Cả chính phủ và khu vực tư nhân cần đẩy nhanh quá trình đồng hóa công nghệ trong thực phẩm và canh tác, đồng thời duy trì tính bền vững của môi trường, năng suất cây trồng và cơ giới hóa. Điều này sẽ giảm sự phụ thuộc vào đầu vào tốn kém, lao động, phân bón và thuốc trừ sâu cũng như giúp kích thích sản xuất lương thực.

Thứ ba, tăng diện tích đất canh tác. Chỉ 5,5% tổng diện tích trồng trọt (gần 450.000 ha) được sử dụng để sản xuất trái cây, rau, thảo mộc và các loại cây trồng khác. Bình quân cả nước có chưa đến 200.000 ha đất trồng cây ăn quả và dưới 100.000 ha đất trồng rau màu giai đoạn 2016-2020. Con số này so với 5,9 triệu ha dành cho cọ dầu và 1,1 triệu ha cao su.

Thứ tư, thúc đẩy tất cả các yếu tố của chuỗi cung ứng thực phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng (người trồng trọt, công nghiệp chế biến thực phẩm và lĩnh vực phân phối bán buôn và bán lẻ thực phẩm). Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm linh hoạt hơn và hệ thống quản lý có nhiều năng lực hơn để thu thập, chế biến và vận chuyển và lưu trữ ở các khu vực địa lý khác nhau của đất nước sẽ cung cấp ngày càng nhiều lựa chọn thị trường tốt hơn cho người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Cuối cùng, cung cấp thông tin thị trường theo thời gian thực. Đầu tư vào hệ thống thông tin thị trường để cung cấp dữ liệu đáng tin cậy và kịp thời về sản xuất, cung cầu lương thực, thương mại và giá cả. Điều này sẽ gửi tín hiệu giá phù hợp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng; để tăng cường chuỗi cung ứng, ổn định giá cả và giảm rủi ro kinh doanh.

An Nguyễn

Nhịp sống kinh doanh

Xem thêm: nhc.73621748180602202-cuht-gnoul-tahp-mal-gnohc-ed-aisyalam-ohc-nohc-aul-gnuhn/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những lựa chọn cho Malaysia để chống lạm phát lương thực”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools