vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều dự án "trùm mền" vì vướng thủ tục

2022-06-09 07:26

Ngày 8-6, có mặt ở tọa đàm "Trao đổi, giải pháp về thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP)", nhiều DN bức xúc nêu những vướng mắc về thủ tục hành chính trong cấp phép điều chỉnh thiết kế xây dựng dự án, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, cấp phép về môi trường, thuê đất... Nổi bật nhất là những vướng mắc liên quan đến 2 nhóm thủ tục: điều chỉnh thiết kế xây dựng công trình, điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 ở SHTP.

3 năm chưa làm xong thủ tục!

Tọa đàm trên là một phần của "Ngày hội giải quyết thủ tục hành chính" do SHTP phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức. Theo chia sẻ của một số DN, họ phải đi lòng vòng từ Ban Quản lý SHTP đến UBND TP Thủ Đức và các sở, sau cùng được hướng dẫn quay ngược về điểm xuất phát nhưng dự án vẫn chưa thể khởi động. Một số trường hợp, UBND TP có công văn yêu cầu UBND TP Thủ Đức giải quyết.

Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ cao Việt Nam - Japan phản ánh công ty có dự án trong khu không gian khoa học của SHTP, được cấp phép đầu tư từ năm 2019 và đã bị treo dự án gần 3 năm vì vướng thủ tục quy hoạch cục bộ. Công ty được hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500, nộp hồ sơ về UBND TP Thủ Đức, mang sang Sở Xây dựng... rồi quay trở về Ban Quản lý SHTP nhưng vẫn chưa thực hiện được do các nơi chưa có sự thống nhất.

"Tháng 5-2022, UBND TP HCM một lần nữa yêu cầu điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Nếu vậy, UBND TP Thủ Đức sẽ là nơi tiếp nhận giải quyết và chúng tôi cần liên hệ bộ phận nào ở đây để triển khai nhằm sớm hoàn tất thủ tục?" - đại diện công ty băn khoăn.

Trường hợp của công ty trên không phải cá biệt, một số DN bày tỏ mong muốn sớm được TP HCM hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, bởi vấn đề này đang làm chậm trễ kế hoạch sản xuất của DN và ảnh hưởng doanh thu của nhà máy tại Việt Nam.

Trước thắc mắc của các DN, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, cho biết đến nay, Ban Quản lý SHTP đã cấp phép và giao 95% đất thương phẩm (đất có hạ tầng) cho DN. Tuy nhiên, hiện trong khu còn nhiều đất trống do DN vướng thủ tục, chưa thể triển khai dự án.

Một góc Khu Công nghệ cao TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phải sớm giải quyết dứt điểm

Về quy hoạch, Ban Quản lý SHTP cam kết ngay sau hội nghị này sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan để sớm tổ chức cuộc họp, thống nhất cách giải quyết sớm cho DN. Những vấn đề cần phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP để tháo gỡ.

Hiện Ban Quản lý SHTP tập trung rà soát những vướng mắc của DN, phối hợp các sở, ngành để kịp thời tham mưu UBND TP HCM nhằm tháo gỡ nút thắt cơ bản về đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường, giúp DN triển khai dự án đúng tiến độ.

"Năm 2021 cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch nên có nhiều vấn đề chúng ta nợ DN. 6 tháng đầu năm nay tập trung giải quyết và cũng đã xong được nhiều việc" - ông Anh Thi nói.

Liên quan vấn đề đất đai, theo lãnh đạo SHTP, vướng mắc này chủ yếu gắn với việc ban hành quyết định cho thuê đất. Cụ thể, trong quá trình chuyển giao từ Luật Đất đai năm 2003 đến Luật Đất đai năm 2013, Ban Quản lý SHTP đã thiếu sót khi không ban hành quyết định cho thuê đất trong khi đây là cơ sở pháp lý để giải quyết những thủ tục hành chính về sau, bao gồm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh phụ lục hợp đồng thuê đất.

"Trước đây, chúng tôi đã báo cáo UBND TP HCM về 24 trường hợp còn thiếu quyết định cho thuê đất, trên cơ sở ý kiến của Sở Tư pháp và đã được cho phép ban hành bổ sung các quyết định cho thuê đất để tiến hành thủ tục khác. Nay qua rà soát phát hiện thêm 48 trường hợp thiếu quyết định cho thuê đất, cần phải ban hành quyết định bổ sung", ông Anh Thi nói.

Từ tháng 12-2021 ban quản lý đã báo cáo UBND TP HCM cho phép ban hành bổ sung 48 quyết định này và đang chờ chỉ đạo chính thức bằng văn bản. Khi tháo gỡ được vướng mắc về quyết định cho thuê đất, các vấn đề khác sẽ được khơi thông.

Ông Vương Anh Thu, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, cũng giải thích việc kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính là do các cơ quan có góc nhìn khác nhau. Do đó, Ban Quản lý SHTP sẽ tổ chức cuộc họp nội bộ gồm: UBND TP Thủ Đức, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng... nhằm giải quyết dứt điểm cho DN. 

Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa liên thông

Trao đổi bên lề hội nghị, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết dự kiến 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của các DN trong SHTP ước đạt 12,9 tỉ USD, đạt gần 50% kế hoạch năm và tăng gần 15% so với cùng kỳ. Những số liệu này cho thấy hoạt động của DN trong khu phục hồi tốt trong 6 tháng đầu năm.

"Trong quá trình triển khai, hoạt động, các dự án có rất nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan cần phải giải quyết. Việc có nhiều cửa gây mất thời gian của DN và hành lang pháp lý để giải quyết là Nghị định 61 về cơ chế một cửa và một cửa liên thông" - ông Anh Thi nói. Do đó, cần thực hiện cơ chế một cửa liên thông cho hiệu quả, phát huy vai trò đầu mối của Ban Quản lý trong việc tiếp nhận và trả hồ sơ nhằm giúp DN không mất thời gian đi giải thích cùng một nội dung cho nhiều cơ quan. Ngoài ra, cần cơ chế phối hợp các sở, ngành giải quyết hồ sơ cho DN.

Xem thêm: mth.76070220280602202-cut-uht-gnouv-iv-nem-murt-na-ud-ueihn/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhiều dự án "trùm mền" vì vướng thủ tục”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools