Cứ mỗi chiều thứ 6 là nhà sáng lập John Collison cùng khoảng 7.000 nhân viên của mình tại nhiều nơi trên thế giới lại nhóm họp trực tuyến qua Zoom. Tuy nhiên cùng với đà lớn mạnh của mình, startup 12 năm tuổi này đang ngày càng trở thành đích nhắm cho giới truyền thông và mạng xã hội.
Mới đây, tên tuổi của Stripe lại nổi lên một lần nữa khi tỷ phú Zachary Perret, nhà sáng lập của hãng đối thủ Plaid đăng tải những bài cáo buộc Stripe giả vờ hợp tác với ông để xây dựng các ứng dụng tương tự nhằm cạnh tranh. Những bài đăng này sau đó đã bị gỡ.
Vụ việc này đã buộc Patrick Collison phải hủy tuần trăng mật của mình để thông báo đến toàn công ty rằng họ đang ngày một lớn và sẽ trở thành đích nhắm cho nhiều người. Thậm chí Chủ tịch John Collison còn đã lên phương án chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
"Chúng tôi sẽ cạnh tranh với nhiều startup và cũng hợp tác với nhiều người. Mọi người cần hành xử như người lớn đi", ông John nhún vai nói.
Ông lớn bên cạnh Tiktok, SpaceX
Startup Stripe, doanh nghiệp có 2 trụ sở tại San Francisco-Mỹ và Dublin-Ireland, có doanh thu thuần (Net) lên đến 2,5 tỷ USD vào năm ngoái và theo nguồn tin của tạp chí Forbes, lợi nhuận Ebitda của hãng có thể đạt hàng trăm triệu USD.
Chính những tiềm năng như vậy mà trong bòng gọi vốn tháng 3/2021, Stripe đã thu hút được 600 triệu USD, đưa tổng số vốn kêu gọi được lên đến 2,4 tỷ USD và được định giá 95 tỷ USD tổng giá trị. Con số này đã khiến Stripe vượt SpaceX của Elon Musk vào năm 2021 để trở thành kỳ lân công nghệ (Unicorn) lớn thứ 3 thế giới.
Tạp chí Forbes thì ước tính mỗi anh em nhà Collison nắm giữ khoảng 10% cổ phần của Stripe, khiến tổng tài sản mỗi người sẽ vào khoảng 9,5 tỷ USD.
Tuy nhiên trái với những ông lớn tỷ USD trên, anh em nhà Collison lại khá thân thiện và sâu sát với công việc. Thậm chí chính bản thân Patrick đôi khi cũng nhảy vào viết code để phát triển sản phẩm. Do chặng đường đi lên từ vài dòng code để trở thành cổng thanh toán tiện dụng nhất thế giới không hề dễ dàng nên anh em nhà Collison hiểu được họ nên làm gì để giữ được thành công.
"Chúng tôi không phải là một công ty hào nhoáng gì mà chỉ là một hãng cung cấp cơ sở hạ tầng ứng dụng, đồng thời hy vọng rằng sẽ đứng vững được trong thời gian dài", nhà sáng lập Patrick cười nói.
Ngày nay, công việc duy trì Stripe không còn dễ dàng như xưa khi cổng thanh toán này len lỏi vào mọi ứng dụng, từ việc đặt xe gọi món hay cho đến thanh toán tiền đọc báo mạng cũng đều có thể có sự tham gia của họ.
Bên cạnh đó, câu hỏi về việc liệu Stripe có sắp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) không cũng đang khiến mọi người chịu áp lực. Tình hình thế giới hiện nay có quá nhiều biến động, từ lạm phát cho đến xung đột địa chính trị. Chỉ số S&P 500 đã mất gần 20% từ đầu năm đến nay và các cổ phiếu ngành công nghệ thì mất giá mạnh, ngay cả Tesla của Elon Musk cũng không ngoại lệ.
Hệ quả tất yếu là một startup đứng đầu mảng thanh toán như Stripe cũng trở thành đầu sóng ngọn gió cho mọi người nhìn vào.
Những yếu tố trên đã khiến anh em nhà Collison phải tìm cách thích nghi trong tình hình mới mà vẫn giữ tăng trưởng. Stripe đã hướng sang khu vực thị trường mới là Đông Nam Á và Trung Đông, đồng thời tung ra những dịch vụ mới như chợ ứng dụng hay thậm chí là cả tiền số. Hiện Stripe đang lấn sân sang cả mảng tín dụng cho những doanh nghiệp nhỏ.
"Làm doanh nhân thì chẳng cần phải khoe khoang nhiều về thành tích của mình mỗi ngày. Danh sách việc muốn làm của chúng tôi vẫn còn rất dài đấy", nhà sáng lập John Collison nhấn mạnh.
Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy mới chỉ có 12% hoạt động thanh toán trên toàn cầu là online, qua đó chứng tỏ thị trường này có tiềm năng vô cùng lớn.
Do đó dù các nhân viên của Stripe vẫn đang chuẩn bị cho một đợt IPO nhưng theo nhiều chuyên gia, việc giữ sự riêng tư cho doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay có khi lại là điều tốt. Chính bản thân nhà sáng lập Patrick cũng cho rằng những thứ như "giá cổ phiếu" hay "ước tính tổng giá trị" có vẻ quá xa với so với những gì họ định làm và muốn làm.
"Tôi không thoải mái lắm khi người ngoài quá háo hức về Stripe. Hiện vẫn còn rất nhiều thứ chúng tôi chưa làm xong đâu", nhà sáng lập Patrick than phiền.
Bỏ học để khởi nghiệp
Anh em nhà Collison được sinh ra ở Limerick và lúc bé, họ được di chuyển đi khắp nơi trước khi định cư tại Dromineer, một ngôi làng bình dị ở trung tâm Ireland. Cha mẹ của họ đều là người có nguồn gốc khoa học – ông Denis làm về kỹ thuật điện, còn bà Lily làm về vi sinh học – sau đó đều trở thành các doanh nhân. Denis điều hành một khách sạn 24 phòng ngủ trên bờ biển Lough Derg, trong khi Lily điều hành một công ty đào tạo doanh nghiệp trong ngôi nhà của gia đình.
Do cha mẹ bận rộn nên 2 anh em phải tự học hành và phải thuê các cuốn sách về để tìm hiểu về viết code từ bé.
Đến tuổi đi học, hai anh em nhà Patrick được gửi đến một trường chất lượng cao với sĩ số các lớp học chỉ xấp xỉ khoảng 20 trẻ. Là một học sinh luôn hoàn thành chương trình một cách xuất sắc, Patrick đã vượt qua các kỳ thi đặc biệt để hoàn thành chương trình học phổ thông vào năm 16 tuổi, sớm hơn các bạn đồng trang lứa.
Năm 2006, Patrick nhập học MIT dựa trên điểm số xuất sắc tại kỳ thi SAT năm 13 tuổi. Tiếp bước anh, hai năm sau John đến Mỹ, trở thành sinh viên một trong những trường đại học hàng đầu thế giới là Đại học Harvard.
Trong thời gian rảnh rỗi, anh em nhà Collison đã phát triển các ứng dụng iPhone. Một trong số các ứng dụng đó là phiên bản 8 USD của Wikipedia, vốn là công cụ giúp mọi người có thể tìm kiếm ngoại tuyến.
Trong ứng dụng này, anh em Collisons đã loại bỏ những mã hóa không cần thiết để toàn bộ thông tin có thể gói gọn trong một tệp tải xuống. Họ cũng đã viết ra ứng dụng giúp quản lý các cuộc đấu giá của eBay và sau đó bán ứng dụng này cho Auctomatic Inc. với giá 5 triệu USD vào năm 2008. Tại thời điểm đó, John vẫn đang là cậu bé học cấp 3.
Tuy nhiên, con đường học có vẻ chưa đủ đối với những cái đầu xuất chúng. Cả Patrick lẫn John đều bỏ học tại MIT và Harvard để bắt đầu khởi nghiệp với Stripe. Trên thực tế, startup này đã được 2 anh em nhà Collison thực hiện từ khi chưa rời ghế nhà trường nhưng chỉ chính thức công khai sau khi bỏ học. Ngay cả cái tên Stripe cũng được lấy trong một lần 2 người ngồi uống cà phê.
Năm 2010, vòng gọi vốn Serie A của Stripe đã được Michael Moritz của Sequoia cùng Max Levchin, Peter Thief và Elon Musk của Paypal lúc đó đầu tư, qua đó thu về 18 triệu USD năm 2012.
Ở thời điểm đó, mỗi ngày, trung bình người Mỹ chi 1.2 triệu USD cho hoạt động mua sắm trực tuyến. Trên thực tế, nền tảng công nghệ cơ bản đã không còn đáp ứng được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử.
Công ty khởi nghiệp Stripe Inck ra đời trong hoàn cảnh đó, nhằm mang lại các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thương mại điện tử. Startup này xây dựng và cung cấp phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết nhanh chóng với các trang web và với các ứng dụng có kết nối trực tiếp với thẻ tín dụng và hệ thống ngân hàng, đồng thời nhận các lệnh thanh toán từ phía khách hàng.
Sản phẩm này của Stripe Inc đã tạo nên mọt tiếng vang lớn tại Silicon Valley. Khách hàng của Stripe khá đa dạng, từ các tập đoàn lớn như Lyft, Facebook, DoorDash, và hàng ngàn các công ty khác.
Nói ít, làm nhiều
Tại Stripe, văn hóa làm việc của nhân viên chịu ảnh hưởng rất lớn từ 2 nhà sáng lập khi làm nhiều hơn nói. Các buổi họp thường bắt đầu khá tĩnh lặng khi mọi người đọc biên bản và viết luôn ghi chú, câu hỏi cho phần tranh luận sau đó.
Đội ngũ ban đầu của Stripe đa phần là những người trẻ, năng động nên dù với ít nhân viên, họ vẫn nhanh chóng phát triển để đi đến được vòng gọi vốn thứ 2 vào năm 2012. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, khoảng 40% nhân viên của Stripe cũng là các kỹ sư, một tỷ lệ khá bất thường khi mở rộng ra toàn cầu. Điều này đến từ việc anh em nhà Stripe thích làm việc với những quản lý giỏi chuyên môn kỹ thuật hơn là những người ngoài.
Tuy nhiên, quan điểm quản lý phải giỏi kỹ thuật đã khiến Stripe gặp nhiều khó khăn và hiện một số vị trí giám đốc vẫn đang bị để trống. Thậm chí vị CEO tiền nhiệm tại startup này cũng chỉ trụ được chưa đến 2 năm rồi rời đi.
"Nếu bạn là CEO thì có 50% khả năng bị đuổi việc đấy", một nhân viên của Stripe đùa.
Hiện tại mảng thanh toán trực tuyến vẫn là nguồn thu chính cho Stripe nhưng anh em nhà Collison đang muốn nhân viên của mình phát huy hơn nữa. Họ yêu cầu mọi người phải hiểu được tình hình tài chính của khách hàng khi cung cấp dịch vụ, liệu đó là một vụ lừa đảo, rút tiền hay quản lý tài sản, qua đó đề ra được nhiều sản phẩm hữu ích hơn cho khách hàng.
Một trong những nguyên nhân khiến Stripe đang phải thay đổi mạnh mẽ như vậy đến từ việc họ bắt đầu bị cạnh tranh ngày càng ác liệt hơn.
Sau thành công vang dội của Stripe, vô số các dự án startup, thậm chí các ngân hàng lớn hay thậm chí các "ông lớn" trong ngành công nghệ như Google Inc, Apple Inc cũng vào cuộc với cố gắng thiết lập phần mềm tương tự Stripe.
Dẫu vậy, anh em nhà Collison vẫn khá tự tin với công ty của mình khi họ đã mất nhiều năm xây dựng mối quan hệ và tệp khách hàng, đồng thời đi tiên phong trong lĩnh vực của mình.
"Điều quan trọng nhất vẫn là khi khách hàng cảm thấy chúng tôi hữu dụng", nhà sáng lập Patrick tự tin khẳng định.
*Nguồn: Forbes, Bloomberg, CNN
http://tintuc.vdong.vn/06/1380593.htmBăng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế