Là Phó Thủ tướng phụ trách mảng tài chính, ngân hàng - lĩnh vực được ưu tiên chất vấn trong kỳ họp này, sáng nay, 9-6, ông Lê Minh Khái đã giải trình thêm, sau khi hai tư lệnh ngành là Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã hoàn tất phần trả lời trước Quốc hội.
Ưu tiên kiểm soát lạm phát
Ông Khái cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ kỳ họp Quốc hội trước đến giờ tiếp tục kiên trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả thế giới tăng cao.
Với chính sách ấy, theo Phó Thủ tướng, lạm phát thời gian qua chủ yếu do giá hàng hóa tăng chứ không phải do ảnh hưởng từ việc điều hành chính sách tiền tệ.
“Trong 5 tháng đầu năm có 13 đợt tăng giá xăng dầu – tăng khoảng 49,9% (từ 7.300 – 7.900 đồng/lít) đã tác động đến tăng CPI khoảng 1,8 điểm %” – ông dẫn chứng.
Ông Khái cũng khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua là tích cực, mặt bằng lãi suất hợp lý; tỉ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố. Nhờ đó đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vừa chống dịch, vừa nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao hơn khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. |
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá nguy cơ lạm phát thời gian tới rất lớn. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều có xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Kinh tế trong nước tiếp tục hồi phục, việc mở cửa các hoạt động dịch vụ, du lịch cũng gây áp lực lên mặt bằng giá.
Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Qua đó kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ sẽ điều hành lãi suất phù hợp với các cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cấp vốn kịp thời cho kinh doanh, sản xuất, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Tập trung cấp vốn cho các dự án hiệu quả
Về kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian qua.
“Vừa rồi có ý kiến có siết chặt hay không? Theo tôi, cần phải kiểm tra lại việc cho vay trong thời gian vừa qua có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy định hay không. Nếu làm chưa đúng thì phải điều chỉnh lại cho đúng. Nếu làm đúng rồi thì tiếp tục thực hiện, chứ không phải siết chặt tín dụng trong lĩnh vực này”.
Phó Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh với dự án, chương trình có hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cung cấp vốn để đảm bảo hoạt động, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế”.
Sẽ xử lý bốn ngân hàng yếu kém trong thời gian tới
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 689/QĐ-TTg, ngày 8-6-2022 phê duyệt Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Trong đó xác định một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động ngân hàng.
Hai là, tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng; triển khai và áp dụng Basel II, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm bốn nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Ba là, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng; củng cố, kiện toàn mô hình và nâng cao năng lực tài chính Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và cơ quan liên quan trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Về xử lý các ngân hàng yếu kém, đến nay, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với bốn ngân hàng thương mại yếu kém.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.