Chi phí trung bình để sản xuất pin xe điện đang tăng kỉ lục, phần lớn là do sự tăng giá của các kim loại chính bao gồm lithium, coban và niken. Mặc dù các nhà sản xuất đang mở rộng quy mô sản xuất để cải thiện chi phí, tuy nhiên tình trạng lạm phát đối với những nguyên liệu thô này cộng với những biện pháp phong tỏa do Covid-19 ở thị trường Trung Quốc và những thách thức về chuỗi cung ứng đã buộc các nhà sản xuất xe điện phải tăng giá xe của họ.
Những kim loại này ngày một đắt đỏ đang làm suy yếu nỗ lực cắt giảm lượng khí thải trong lĩnh vực giao thông vận tải bởi khi giá xe điện tăng, người tiêu dùng lại cân nhắc đến việc mua những chiếc xe xăng truyền thống. Theo nhà phân tích cấp cao Alice Yu của S&P Global Commodity Insights, doanh số bán xe điện đã giảm 35,6% trong tháng 4 tại thị trường Trung Quốc, Mỹ và 4 thị trường hàng đầu tại châu Âu.
Theo các chuyên gia trong ngành xe điện, sự sụt giảm trong doanh số bán hàng có thể chỉ là tạm thời bởi những nỗ lực tăng cường khai thác các kim loại quan trọng này của các nhà sản xuất cũng như thử nghiệm với các hóa chất pin thay thế cuối cùng sẽ đẩy chi phí đi xuống. Tuy nhiên trong thời gian tới, các nhà sản xuất xe điện sẽ phải "chiến đấu" để đảm bảo những nguyên liệu sản xuất xe điện này có giá cả phải chăng. Đây được coi là khó khăn chồng chất khó khăn khi họ đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn và các bộ phận xe khác.
Ông Tae-Yoon Kim, Nhà phân tích tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết: "Hậu quả của chi phí nguyên liệu tăng cao là quá trình chuyển đổi bị trì hoãn khi người tiêu dùng né tránh việc sử dụng các phương tiện với công nghệ "sạch". Những rủi ro của giá nguyên vật liệu tăng cao như hiện nay chỉ có thể bù đắp bằng việc giảm các loại chi phí khác."
Ông Yu cho biết thêm: "Lạm phát đang bùng phát, đặc biệt là tại các thị trường xe điện ngoài Trung Quốc. Một số khách hàng đang trì hoãn lại kế hoạch mua xe điện lại, trong khi một số khác chọn mua những mẫu rẻ hơn cho dù phải đợi đến vài tháng hoặc sang năm 2023 mới được nhận xe".
Bão giá nguyên liệu sản xuất
Theo dữ liệu định giá của S&P Global Commodity Insights, giá lithium đã tăng cao kỷ lục trong những tháng đầu năm 2022, sau khi tăng hơn gấp đôi vào năm 2021. Giá lithium cacbonat thô đã đạt mức cao nhất là 78.000 USD/tấn vào giữa tháng 4. Sau đó đã giảm xuống còn 74.000 USD/tấn vào ngày 7/6.
Sau khi Nga bắt đầu can thiệp vào Ukraine, các nhà sản xuất xe điện cũng phải trải qua cú sốc đối với các kim loại chủ chốt khác.
Giá niken đã phá vỡ kỷ lục khi vượt ngưỡng 48.000 USD/tấn vào đầu tháng 3, với việc giao dịch bị gián đoạn trên sàn giao dịch kim loại London và tiếp tục trở lại vào ngày 16 tháng 3 sau sáu ngày tạm dừng. Giá kim loại này sau đó đã hạ nhiệt xuống còn 26.731 USD/tấn vào ngày 25/5 nhưng so với năm trước giá vẫn cao hơn 57,2%.
Những lo ngại về những lệnh trừng phạt có thể xảy ra đối với Nga sau những hành động của ông Putin tại Ukraine đã làm rung chuyển thị trường niken, những người mua kim loại cơ bản lo lắng rằng họ sẽ không thể tiếp cận nguồn cung từ những nhà sản xuất niken lớn.
Nguồn cung coban đang bị hạn chế cũng đã làm tăng giá coban trong những tháng gần đây. Những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và lo ngại về khả năng tiếp cận coban từ Nga đã thắt chặt nguồn cung đối với loại khoáng sản mà cả thế giới đang khao khát có được này. Theo dữ liệu của Market Intelligence, công ty Nga PJSC MMC Norilsk sản xuất khoảng 2,7% lượng coban được khai thác trên thế giới. Giá coban của đã tăng 16,3% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, đạt đỉnh 82.000 USD/tấn và chốt ở mức 75.000 USD/tấn vào giữa tháng 5, tuy nhiên giá vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước đến 71,8%.
Ông Ulderico Ulissi, Trưởng nhóm nghiên cứu về pin tại RhoMotion, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh tập trung vào nghiên cứu lĩnh vực xe điện cho biết: "Các chuỗi cung ứng về pin đang căng thẳng và bị gián đoạn. Khách hàng bắt đầu thấy chi phí xe điện đang tăng trong thời gian gần đây. Lý do không chỉ là bởi một số nguyên liệu thô mà còn bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chất bán dẫn và ảnh hưởng của việc Trung Quốc phong tỏa do dịch Covid-19".
Tăng giá là điều không tránh khỏi
Ông Kim của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA cho biết: "Vào cuối năm 2022, chúng ta sẽ chứng kiến giá pin còn tăng nhiều hơn nữa và điều này sẽ được phản ánh nhiều hơn vào giá xe điện, với những tác động không đáng có và không mong muốn cho người tiêu dùng".
Tesla đã tăng giá một số sản phẩm của mình vào đầu năm nay do chi phí nguyên liệu thô tăng và nguồn cung cấp nguyên liệu cho pin xe điện đang rất hạn chế. Tesla đã tăng giá một số phiên bản Long Range, như vậy toàn bộ mẫu xe hiện hành của hãng đều đã tăng giá, thấp nhất 4,4% (chiếc xe rẻ nhất Tesla Model 3 dẫn động cầu sau) đến 9,8% (chiếc xe đắt nhất Model X Tri Motor).
CEO hãng xe điện hàng đầu thế giới, ông Elon Musk đã chia sẻ trong cuộc họp báo vào ngày 20/4 vừa qua: "Nếu như không có sự gia tăng đáng kể trong việc khai thác và tinh chế lithium cũng như các nguyên liệu thô khác mà tất cả mọi người điều đang cạnh tranh nhau để có được thì rõ ràng điều này sẽ đẩy giá lên rất cao".
Theo báo cáo, nhà sản xuất xe điện có trụ sở tại California, Rivian Automotive, đã tăng giá bán tải điện R1T và SUV R1S lên khoảng 20% vào đầu năm 2022 để hủy bỏ việc tăng giá đối với các đơn hàng đặt trước sau phản ứng dữ dội từ khách hàng.
"Chúng tôi thấy giá lithium đã tăng lên khá nhiều trong vài tháng qua và điều đó đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người", Giám đốc điều hành Rivian Robert Scaringe cho biết trong cuộc họp báo vào ngày 11 tháng 5.
Theo Công ty chuyên theo dõi chuỗi cung ứng pin cho xe điện Benchmark Mineral Intelligence, doanh số bán xe điện ở châu Âu đã giảm 36,9% trong tháng 4, xuống dưới 160.000 chiếc.
Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc cũng báo cáo doanh số bán xe điện của Tesla tại Trung Quốc đã giảm 98% trong tháng 4, xuống còn 1.512 chiếc, phần lớn là do các nhà máy ở Trung Quốc ngừng hoạt động trong bối cảnh quốc gia này phong tỏa do dịch Covid-19. Tuy nhiên, thị trường kim loại thắt chặt cũng vẫn là một nguồn lo ngại đối với gã khổng lồ xe điện có trụ sở tại Texas này.
Musk cho biết thêm: "Hiện tại chúng tôi nghĩ rằng khai thác và tinh chế lithium đang rất bị hạn chế, đây chắc chắn là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng chi phí rất lớn và là khoản tăng đáng lo ngại nhất".
Theo IEA, nguồn cung lithium cho xe điện hiện không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. IEA ước tính sản lượng xe điện sẽ tăng gấp 6 lần trong năm 2030. Hiện nay, cả châu Âu và Mỹ đều chú trọng vào sản xuất pin, song IEA nhận định rằng chuỗi cung ứng chính vẫn sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc cho đến năm 2030.
Tham khảo: S&P Global
https://cafef.vn/chi-phi-kim-loai-san-xuat-pin-tang-cao-khien-cac-hang-xe-dien-dung-ngoi-khong-yen-chiu-lo-khong-on-tang-gia-xe-cung-khong-xong-20220609102240833.chnTheo Huyền Như
Nhịp Sống Kinh tế