Nhiều rạn san hô ở khu bảo tồn biển Hòn Mun đã chết - Ảnh từ bài viết N.S
Bài viết của tài khoản N.S có nhiều thông tin cụ thể về thực trạng các rạn san hô, thảm thực vật tại khu bảo tồn biển Hòn Mun bị tàn phá nghiêm trọng: "Hơn một năm rưỡi mình quay lại lặn ở Hòn Mun kể từ tháng 10-2020. Những tưởng phải nhìn thấy biển hồi sinh và đẹp, phong phú hơn trước dịch nhiều lần. Nhưng không! Dưới đáy biển giờ tan hoang: không còn những đàn cá, không còn nhiều san hô, hải quỳ và tất nhiên không còn nhiều sinh vật biển. Đến những chú cá hề bình thường làm tổ ở những bụi hải quỳ khắp nơi thì 3 ngày lặn chỉ ở 3 bãi Madonna rock, Mama Hạnh và Moray beach trước mặt Hòn Mun, tìm đỏ mắt không ra. Đáy biển đen ngòm, xơ xác".
Chủ tài khoản cũng thắc mắc về công tác quản lý của cơ quan chức năng: "Mình không hiểu, ban quản lý khu bảo tồn biển Hòn Mun làm gì để giờ biển xơ xác đến vậy? Không phải tự nhiên dân đi tàu ở Nha Trang có những lời đồn đại về chuyện "bán bãi" cho tàu cá vào khu bảo tồn đánh bắt từ rất lâu rồi.
Có những lời đồn đại về chuyện đánh bắt tuyệt diệt kiểu như lặn xuống bơm cyanua vào hang cá, hang tôm để chúng nổi lờ đờ rồi vớt hết. Mà không chỉ là đồn đại vì những tấm ảnh được tàu du lịch mới chụp gần đây cho thấy những chiếc tàu cá thả lưới đánh bắt quanh Hòn Mun. Và lạ kỳ là chúng diễn ra ngay trước mũi tàu tuần tra của ban quản lý".
Dưới đáy biển không còn nhiều sinh vật, rạn san hô - Ảnh đăng kèm bài viết của N.S
Tàu cá ngang nhiên đánh bắt trong khu bảo tồn biển Hòn Mun - Ảnh đăng kèm bài viết của N.S
Ngày 9-6, trả lời về những nội dung trên, ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang - cho biết sau cơn bão số 9 (năm 2021) thì tất cả rạn san hô ở vịnh Nha Trang và một số nơi khác đều bị ảnh hưởng rất lớn, những rạn san hô bị ảnh hưởng đa số ở gần mặt nước và bị gãy, đổ bởi sóng lớn.
"Những hình ảnh này không phải của chủ tài khoản N.S chụp, mà chủ tài khoản này sử dụng ảnh từ một đơn vị lặn. Chúng tôi sẽ có văn bản làm việc với chủ tài khoản, bài viết có nhiều thông tin tiêu cực, khiến người đọc hiểu lầm do công tác bảo tồn chứ không phải do thiên nhiên.
Vì sự suy thoái rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố như: tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài dịch hại, bên cạnh đó cũng có tác nhân từ con người", ông Thái nói.
Về hình ảnh tàu cá đánh bắt trong khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Mun, ông Thái cho hay hình ảnh này đã được đơn vị lặn chụp lại và gửi cho ban quản lý vào khoảng tháng 5-2022, phía ban quản lý vịnh sau đó đã lập biên bản xử phạt hành chính và đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.
Cũng theo ông Thái, hiện ban quản lý chỉ có 1 chiếc tàu tuần tra và có khoảng 5 thành viên làm nhiệm vụ không được trang bị hỗ trợ. Trong khi đó vẫn có một số ngư dân cố tình đánh bắt trong vùng cấm. Họ rất liều lĩnh, thậm chí còn dùng cả dao uy hiếp thành viên tổ tuần tra.
Chỉ tính riêng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, đội tuần tra đã ngăn chặn khoảng 49 trường hợp khai thác trái phép. "Các tàu cá luôn chực chờ lúc lực lượng quay đi là lẻn vào đánh bắt, nhiều trường hợp vi phạm phải nhờ đến biên phòng, hải đội kết hợp mới xử lý được”, ông Thái nói.
Thay vì các đàn cá dưới đáy biển khu bảo tồn Hòn Mun lại chỉ còn nhum biển - Ảnh đăng kèm bài viết của N.S
Lực lượng tuần tra mỏng nên Ban quản lý vịnh Nha Trang khó kiểm soát các tàu cá đến khai thác trái phép - Ảnh đăng kèm bài viết của N.S
Đối với nhận định tại khu bảo tồn biển Hòn Mun có hành vi "bán bãi, đánh bắt tuyệt diệt", lãnh đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang khẳng định luôn cương quyết xử lý triệt để tất cả các hành vi không được phép thực hiện trong khu bảo tồn biển, không có chủ trương bao che bất cứ cá nhân, tập thể nào khi sai phạm.
"Hiện mức xử phạt khi khai thác ở khu bảo tồn thiên nhiên rất cao lên đến hơn 100 triệu đồng, người dân khó có thể đóng phạt. Với mức phạt đầy tính răn đe này, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con biết", ông Thái nói.
Tuy nhiên, anh Mai Hoàng Kiên Kha, một thợ lặn có hơn 10 năm kinh nghiệm ở TP Nha Trang, cho biết thực tế san hô tại Hòn Mun chết hàng loạt phủ trắng hàng trăm mét vuông. "Vịnh Vân Phong là điểm đón gió trước, nhưng san hô vẫn khỏe mạnh và phát triển. Còn khu vực đảo Hòn Mun kín gió thì lại tan hoang như thế này, nếu san hô chết nhiều do bão thì quá vô lý", anh Kha nói.
Về việc bảo vệ khu bảo tồn Hòn Mun, ông Nguyễn Tấn Tuân, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã chỉ đạo TP Nha Trang thực hiện tăng cường lực lượng kiểm tra, khi phát hiện tàu đánh bắt hải sản xâm phạm khu bảo tồn, sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đối với du khách về vấn đề vệ sinh khi đi du lịch, tránh tình trạng xả rác.
"Thời gian tới Ban quản lý vịnh Nha Trang phối hợp với Viện Hải dương học và các tổ chức liên quan nghiên cứu để cấy nuôi trồng phục hồi rạn san hô dưới đáy biển", ông Tuân nói.
90% san hô ở vịnh Nha Trang đã biến mất
Những rạn san hô ở vùng vịnh Nha Trang đang dần biến mất - Ảnh: MAI KHA
Kết quả nghiên cứu của Viện Sinh thái học và tiến hóa - Viện hàn lâm Khoa học Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Nha Trang và Viện Hải dương học trên tạp chí Marine and Freshwater Research (tháng 3-2021) ghi nhận 90% san hô ở vịnh Nha Trang đã biến mất so với năm 1980. Trong đó, giai đoạn hiện nay suy giảm mạnh nhất, đáng báo động.
Theo TS Hoàng Xuân Bền, phó viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, việc suy giảm rạn san hô trong vịnh có nhiều nguyên nhân như: khai thác hủy diệt bằng chất nổ, cyanua (hiện nay không còn); ô nhiễm môi trường (các hoạt động du lịch, xả thải, nuôi trồng thủy sản…); bùng nổ sinh vật ăn san hô (sao biển gai) và hiện tượng ưu dưỡng (phú dưỡng) cục bộ; hiện tượng tẩy trắng san hô và các tai biến thiên nhiên (bão, lũ)...
Tuy nhiên, việc mất rạn san hô lớn nhất là do quá trình san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và dân sinh tại các vùng ven bờ và ven đảo. Việc san lấp không chỉ làm mất diện tích rạn san hô mà còn đưa lượng trầm tích ra biển, gây lắng đọng trên bề mặt rạn làm san hô bị chết.
TTO - Cùng với việc xây 6 nhà, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng còn phê duyệt xây thêm một cầu tàu ngay trong vùng lõi khu bảo tồn biển Hòn Mun (Khánh Hòa).
Xem thêm: mth.7744517190602202-ig-ion-yl-nauq-nab-ox-cax-num-noh-neib-not-oab-uhk-hna-hnih-ev/nv.ertiout