Bệnh nhân bật khóc cảm ơn bác sĩ đã cứu sống mình tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: D.PHAN
Làm sao để ngành y vượt qua "bóng mây u ám" này? Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của các chuyên gia tâm huyết, trong đó có ông Nguyễn Huy Quang - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Ông Quang nói:
- Chúng tôi đau đớn. Ngành y tế phải chịu áp lực thì làm sao phát triển, phục vụ nhu cầu nhưng giá phải hợp lý trong bối cảnh chi ngân sách cho y tế dù đã lớn nhưng chưa đáp ứng được, phải trông cả vào liên doanh, liên kết, xã hội hóa.
Đây là cơ chế pháp lý mới, phải vừa đi vừa dò đường, thể chế không kịp hoàn thiện với những gì phát sinh trong thực tế. Có việc làm tưởng đúng nhưng lại sai, có cái tưởng sai nhưng lại đúng. Đại dịch và cơ chế pháp lý mới này dồn dập bủa vây, những rắc rối từ liên doanh liên kết, đấu thầu và đỉnh điểm là vụ Việt Á lũng đoạn, gần 100 cán bộ ngành y bị khởi tố và bị bắt đến nay.
Vụ Việt Á là "phép thử"
* Dồn dập những chuyện xót xa xảy đến, tâm tư của ông và các đồng nghiệp lúc này như thế nào?
- Đến nay, chúng tôi vẫn còn đang chưa có thời gian tĩnh để đánh giá lại. Nhưng tôi nghĩ vụ Việt Á là "phép thử". Nếu vừa rồi chỉ có một số người liên quan thì đây là vụ việc mang tính cá nhân, nhưng vì liên quan hàng loạt người ở hàng loạt tỉnh thành thì cần phải xem lại về cơ chế mua bán, "lại quả" trong đấu thầu, mua sắm trong ngành.
Ngành y là ngành được đào tạo bài bản, người làm việc trong ngành đều học giỏi. Tư chất, năng lực của đội ngũ rất tốt, những mất mát vừa qua là rất tiếc.
* Điều ông thấy tiếc nhất là gì?
- Mất mát lớn nhất là lòng tin của người dân vào ngành y bị suy giảm, đó là đau xót cho ngành. Thứ nữa là lòng tin trong ngành với nhau. Sau "cơn bão", người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nếu có trang thiết bị, phương pháp điều trị tốt, người bệnh sẽ chóng khỏi bệnh. Nhưng lúc này tôi nhìn thấy có những người e ngại, họ ngại mượn, mua trang thiết bị, bởi nếu mua, mượn xảy ra điều gì thì làm sao? Và ẩn sâu trong đó là sự tiếc nuối của thầy thuốc, nếu có phương pháp đó và thiết bị đó thì người bệnh đã được chữa trị tốt hơn.
* Trong bối cảnh như vậy, ông nghĩ rằng ngành y nên làm gì để vượt qua "bóng mây u ám" này?
- Nếu không có khắc phục sớm thì những vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân, sự công bằng trong khám chữa bệnh, tiếp cận của người bệnh với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng sẽ bị ảnh hưởng. Và phải chờ đợi mới hồi phục, trong khi sức khỏe người dân thì đâu thể chờ!
Ngay từ lúc này vẫn phải có sự chuẩn bị, đào tạo đội ngũ chuyên môn và cán bộ quản lý quản trị một bệnh viện để vận hành suôn sẻ, bài bản từ nhân lực, vật lực, tài lực. Đây là lo cho sau này. Còn trước mắt, chúng tôi mong các vụ án sớm kết thúc, kết thúc sớm ngày nào thì tư tưởng trong ngành ổn định sớm ngày đó để ngành y tế ổn định trước mắt và phát triển.
Ông Nguyễn Huy Quang - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
Bắt đầu từ những ngổn ngang này...
* Ngành y tế vừa trải qua "đại hồng thủy", theo ông bắt đầu lại từ đâu?
- Phải ổn định lại hoạt động, tổ chức của cơ sở y tế và cơ quan quản lý nhà nước ngành y. Nếu không, lối suy nghĩ tiêu cực sẽ ngự trị trong tâm lý của đội ngũ quản lý, thầy thuốc và nhân viên y tế càng lâu càng dài thì hệ quả đối với ngành y và với người bệnh càng lớn.
Đội ngũ ngành y càng ổn định sớm, càng đoàn kết được thì mới vực dậy được đơn vị mình.
* Bắt đầu từ khâu nào, thưa ông?
- Khâu cần khắc phục nhanh là đấu thầu trang thiết bị, thuốc... Phải có định mức kinh tế kỹ thuật cho từng dịch vụ y tế cho đúng. Ngoài Luật đầu tư, Luật quản lý tài sản công, Luật doanh nghiệp, Luật cán bộ công chức viên chức, Luật đấu thầu, nên có quy định đặc thù riêng cho ngành y tế. Những quy định đặc thù này nên tập trung trong một thời gian ngắn để làm.
Đại dịch đến, cán bộ y tế cả nước đóng góp rất tích cực vào bảo vệ sức khỏe người dân. Các vụ án như một cơn bão xóa nhòa các thành tựu. Phải ghi nhận một cách công tâm, khách quan những thành tích của ngành y tế nói chung và của cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế nói riêng.
Bệnh viện thiếu thuốc men, thiết bị...
Tôi vừa có người thân vào điều trị tại bệnh viện cấp cứu. Cháu bị bệnh gan và các chỉ số đều rất xấu rồi, nhưng bệnh viện không có thuốc để điều trị đúng "thời điểm vàng".
Gia đình chúng tôi đã phải can thiệp bằng cách đưa bệnh nhân xuất viện để tiêm rồi quay lại bệnh viện cấp cứu. Không chỉ các thuốc diện đặc biệt này, hiện nhiều nơi kể cả chỉ khâu phẫu thuật, thủy tinh thể... hết hàng cũng đang chờ đấu thầu, không có để sử dụng ngay.
Có người nói với tôi "trở lại thời bao cấp rồi", tê liệt ngành y tế mất rồi. Thực tế thì lãnh đạo ngành y, lãnh đạo các bệnh viện trả lời, nhưng ở vị trí một người "trong ngành" và cũng là người bệnh, tôi nhận thấy đang có những khó khăn từ hậu quả của "cơn bão" Việt Á. Mong những khó khăn này sớm qua đi. (Ý kiến giám đốc một công ty dược ở Hà Nội)
TTO - Theo kết quả kiểm toán, các bộ, ngành, địa phương đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm PCR... tổng giá trị hơn 7.970 tỉ đồng. Trong đó có gần 2.162 tỉ đồng kit xét nghiệm từ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á...
Xem thêm: mth.96740403290602202-teiht-uihc-nahn-hneb-ed-coud-gnohk-a-teiv-yuht-gnoh-iad-oc-ud/nv.ertiout