Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 11 đợt, làm cho giá xăng RON 95 tăng 7.694 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.071 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử. Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động trực tiếp đến bình xăng hàng ngày, mà còn kéo theo nhiều nhóm mặt hàng tăng theo, nên người tiêu dùng gặp thách thức trong xoay xở với "bão giá" hàng hóa thiết yếu.
Canh cánh chi tiêu hằng ngày
Trao đổi với TTXVN, chị Thu Oanh, cư ngụ tại quận Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh cho biết, gia đình đang chật vật khi gặp "bão giá". Nhà có 5 người, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ 26 triệu đồng, nhưng hàng tháng trả lãi mua nhà 9 triệu đồng, nuôi hai con nhỏ học mầm non nên phải căng mình gồng gánh chi tiêu.
Theo chị Thu Oanh, giá xăng dầu tăng liên tục khiến mọi thứ đều tăng giá theo, quan trọng nhất là giá thực phẩm. Điều này, gây khó khăn cho cho những gia đình có thu nhập trung bình bám trụ lại thành phố, với gánh nặng "cơm áo gạo tiền" mỗi ngày lại càng đè nặng hơn.
Tương tự như vậy, chị Lan Anh (Hoàng Mai, Hà Nội), nhân viên văn phòng một công ty dược tranh thủ đi chợ mua ít rau, ít thịt về nấu cơm tối. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, chị vẫn không biết mua gì cho rẻ.
“Mấy tháng trước tôi mua rau mồng tơi có 7.000 đồng nay đã lên 10.000 đồng/mớ, bắp cải từ 12.000 đồng nay đã 20.000 đồng/kg; trứng cũng từ 20.000 đồng vọt lên 35.000 đồng/chục; thịt, cá, gia cầm, dầu ăn, gia vị… gì cũng tăng một ít,” chị Lan Anh chia sẻ với TTXVN/Vietnam+.
Chị Lan Anh cho biết kể từ sau Tết đến giờ giá hàng hóa, thực phẩm, hàng tiêu dùng… liên tục tăng không ngừng nghỉ khiến cả gia đình chị đau đầu trong việc tính toán chi tiêu sao cho hợp lý.
Hai vợ chồng chị tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng khoản trả góp căn hộ mới mua đã mất gần phân nửa số tiền, số còn lại để chi tiêu ăn uống, sinh hoạt và nuôi con nhỏ.
Ở một góc vỉa hè đầu phố Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh Xuân Tùng, một shipper công nghệ, ngồi thẫn thờ chờ khách vì từ sáng đến giờ mới chỉ được vài đơn hàng. Anh Tùng cho biết kể từ khi giá xăng tăng “phi mã,” công việc của anh đã khó khăn nay lại càng trắc trở hơn.
“Ngày nào tôi cũng đổ đầy bình xăng giá 75.000 đồng trong khi thu nhập chỉ 140.000 đồng. Có ngày chạy hết công suất được 250.000 đồng thì tiền xăng cũng chiếm phân nửa, chưa tính tiền hao mòn xe. Giờ cao điểm tôi phải tắt app vì càng chạy càng lỗ,” anh Tùng cho biết.
“Phải tăng để bù giá”
Những ngày qua, giá xăng dầu liên tục “phi mã” đã kéo theo giá của các mặt hàng như đồ ăn, thực phẩm, đồ thiết yếu... cũng tăng theo, tác động mạnh mẽ đến người dân cũng như tiểu thương kinh doanh. Một số hàng quán ăn uống vì không chịu được sức ép đã phải tăng giá bán.
Quán bún riêu của chị Duyên trên phố Lạc Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhiều năm luôn giữ ở mức giá 30.000 đồng/bát. Kể từ đầu tháng Ba đến nay, giá thực phẩm như rau, cỏ, thịt… liên tục tăng không ngừng nghỉ khiến chị không thể cầm cự được nữa, phải tăng thêm 5.000 đồng/bát để bù giá.
“Chủ yếu bán cho người dân lao động, người quanh khu nên tôi cố gắng giữ giá trong thời gian dài, nhưng nay không thể giữ được nữa. Giá cả nhiều khả năng sẽ còn biến động tăng nếu chi phí đầu vào, giá gas, xăng cứ ở mức cao như vậy,” chị Duyên than thở với TTXVN/Vietnam.
Tương tự, anh Hoàng Cường, chủ một quán bún bò Huế trên phố Trần Khát Chân cho biết anh đã phải tăng từ 5.000-7.000 đồng cho mỗi bát bán ra so với đầu năm. Hiện bát bún bò thường tăng từ 35.000 đồng lên 42.000 đồng/bát; bát đặc biệt từ 50.000 đồng lên 55.000 đồng/bát.
“Mức giá này đã tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái. Tôi cũng chỉ dám tăng giá so với mặt bằng chung của các hàng quán xung quanh khu vực chứ cũng không dám tăng nhiều,” anh Cường cho hay.
Theo anh Cường, ngoài giá thịt lợn vẫn đang tạm ổn định thì các sản phẩm đầu vào khác như bún, gas, dầu ăn, đường, hạt nêm... đều tăng giá.
Bên cạnh hàng quán ăn, hiện giá nhiều mặt hàng tươi như rau củ, thực phẩm... cũng đang tăng cao. Khảo sát tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống như chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Trại Găng, chợ Hôm… nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng từ 10-30% so với thời điểm đầu tháng.
Cụ thể, đối với mặt hàng rau xanh, giá bắp cải trắng tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; cải xanh từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ; cà chua từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg. Đối với mặt hàng gia súc, gà công nghiệp từ 65.000 đồng tăng lên 80.000 đồng/kg; trứng gà từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng/chục… Giá thực phẩm chế biến cũng theo đó mà tăng lên, như giò lụa tăng từ 240.000 đồng lên 260.000 đồng/kg.
Việc các sản phẩm hàng hóa, hàng tiêu dùng… liên tục leo thang khiến nhiều người dân chóng mặt, buộc phải thắt chặt chi tiêu.
Siêu thị chia sẻ khó khăn cùng người dân
Khảo sát thị trường Tp.Hồ Chí Minh của TTXVN cho biết, các nhà bán lẻ liên tục chạy luân phiên chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Vì vậy, những người tiêu dùng thông minh đã tận dụng cơ hội mua sắm ưu tiên nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho gia đình với phương châm "mua đủ dùng, mua khi cần".
Điển hình, hệ thống LOTTE Mart triển khai chương trình khuyến mãi "Cả nhà vào bếp" từ hôm nay đến ngày 21/6/2022, nhằm tạo điều kiện để mọi gia đình đều có thể trang bị cho mình một căn bếp đủ đầy, tiện nghi và những bữa ăn dinh dưỡng. Trong đó, thực phẩm tươi sống giảm giá sốc ở mức 19%-29% như ớt chuông Đà Lạt, dưa leo giống Nhật, chuối Dole, bí giống Mỹ...
Ngoài ra, tại LOTTE Mart còn khuyến mãi cho đa dạng nhóm ngành hàng như sản phẩm tăng cường sức khỏe, gồm: sữa, mì gói; nước giặt, sữa tắm... Đặc biệt, dịp này LOTTE Mart cũng thực hiện chính sách "mua 1 tặng 1" cho một số sản phẩm như mật ong rừng U Minh/Sữa Ong chúa Xuân Nguyên 500ml; bánh Mandu hải sản rau củ LC 350g...
Tương tự, những điểm bán lẻ của Saigon Co.op, Satra, Aeon Mall, MM Mega Market... cũng áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá cho phong phú nhóm ngành hàng, nhất là hàng hóa tiêu dùng thiết dùng thiết. Bên cạnh đó, kênh bán lẻ hiện đại cũng tung ra không ít hình thức khuyến mãi, giảm giá khác nhau để tăng thêm tiện ích và quyền lợi cho người tiêu dùng, cũng như đồng hành cùng người dân vượt qua bão giá.
Liên quan đến thị trường giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt thương mại và dịch vụ trên địa bàn nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước và đạt được mức tăng trưởng dương. Thống kê, doanh thu bán lẻ chủ yếu tăng cao ở các nhóm ngành hàng như lương thực, thực phẩm; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 tại TP Hồ Chí Minh đạt 96.281 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tính 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 456.153 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Trên cơ sở này có thể thấy, người dân đã và đang thắt chặt chi tiêu dùng hàng ngày, chỉ tập trung vào những nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu do bị tác động của bão giá. Do đó, đơn vị sản xuất, kinh doanh hay nhà bán lẻ muốn duy trì doanh số không chỉ cần nắm bắt nhu cầu trải nghiệm người tiêu dùng về giá, chính sách... mà còn phải đáp ứng yêu cầu tối ưu về tiện ích, giao nhận...
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhấn mạnh, kết quả một số báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm năm 2022 là chú trọng ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe và tiện lợi. Bên cạnh đó, thói quen làm việc ở nhà cũng làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng như ngại ăn uống bên ngoài, tiết kiệm...
Cùng với đó, quyết định mua hàng của người tiêu dùng hiện nay có những thay đổi so với trước đại dịch như quan tâm thực phẩm xanh - sạch; đa dạng thực phẩm trong chế độ ăn uống; thân thiện với môi trường... Doanh nghiệp nên phát huy ưu thế bản địa và thực phẩm nhiệt đới, thúc đẩy công nghiệp chế biến thực phẩm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt….
Giá các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định
Hơn 10 ngày kể từ khi áp dụng mức tăng lương tối thiểu từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng cho cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, các đối tượng phục vụ trong lực lượng vũ trang, tình hình giá cả thị trường không có nhiều biến động. Tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ, giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản vẫn ổn định, trong đó một số loại hàng hóa còn được giảm giá theo các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp. Đây là một tín hiệu mừng cho người tiêu dùng trong thời điểm lạm phát hiện nay.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, lương tối thiểu tăng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng là tăng 26%, cao hơn tốc độ trượt giá hiện tại. Điều này sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 và thời gian tiếp theo không tăng nhiều (dự kiến CPI tháng 5 tăng 0,15% - 0,2% so với tháng 4). Nhiều người cũng cho rằng, những ngày đầu tháng 5, sức mua trên thị trường cả nước giảm so với tháng 4. Các tiểu thương kinh doanh tại một số chợ lớn ở Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ nhận định, giá cả từ đầu năm đến nay đã tăng 2 lần do giá xăng dầu tăng, khó có thể tăng được nữa vì người tiêu dùng cũng khó chấp nhận mua với mức giá cao hơn hiện nay.
Thực tế, đợt tăng lương tối thiểu lần này chỉ tác động tới 6 triệu người, có thể không ảnh hưởng tới giá cả ngoài thị trường. Hơn thế nữa, hệ thống các siêu thị và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để tăng sức mua và tạo sức cạnh tranh, cũng góp phần quan trọng để ổn định giá. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không chủ quan trước tình hình, mà cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến của giá cả thị trường khi giá xăng dầu vẫn ở mức rất cao, chi phí cho sản xuất hàng hóa chưa có dấu hiệu giảm, không nên để tăng giá vô lý, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh cho rằng: “Cùng với việc kiên trì đẩy mạnh chương trình bình ổn giá, thành phố sẽ quyết tâm thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” trong năm 2012. Kiên quyết xử lý nghiêm những nơi nào vi phạm những căn cơ điều tiết thị trường. Có như vậy việc tăng lương và bình ổn giá mới mang lại hiệu quả cao”.
Hương Anh (tổng hợp)