vĐồng tin tức tài chính 365

[Chuyện nghề] Lời khuyên của kế toán 10 năm kinh nghiệm: Mới đi làm, hãy tập tiết kiệm! Khi muốn bỏ cuộc, hãy luôn nhớ b

2022-06-10 09:45

Bạn có yêu công việc mình đang làm không? Bạn đang làm việc vì mục đích gì? Hành trình công việc này bạn đã gắn bó với bạn bao lâu? Bạn làm gì để vượt qua những áp lực công việc? Có bao giờ bạn muốn bỏ cuộc?

Đó là những câu hỏi thỉnh thoảng tôi cũng hay chất vấn bản thân mình. Mỗi chúng ta đều có một công việc trong xã hội và đều đi làm vì phục vụ nhu cầu của bạn thân đầu tiên, cho gia đình và được đóng góp một phần cho xã hội.

Tôi, một người có kinh nghiệm 10 năm, một nhân viên kế toán sẽ chia sẻ thật nhất những kinh nghiệm mà bản thân tôi đã có cơ hội trải qua. Dù là kinh nghiệm tốt hay xấu, hay hay dở, tôi hi vọng mọi người có thể hình dung về một góc nào đó những gì tôi đã từng/đang/sắp trải qua với nghề kế toán. Đó là cả sự cố gắng, mồ hôi nước mắt và bao lần muốn bỏ cuộc.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có 5 năm làm việc cho một công ty Du lịch. Đó là một môi trường năng động, trẻ trung, chuyên nghiệp. Thời điểm tôi mới ra trường vừa khéo là "thời hoàng kim" của du lịch, nên khỏi phải nói, mức lương trên cả mong muốn đối với một đứa sinh viên mới ra trường. Ngoài lương, tôi còn nhận về không ít những khoản thưởng kha khá hậu hĩnh. Những khoản tiền rủng rỉnh và dễ dàng đã khiến tôi tự tin chi tiêu có phần thoải mái. Tôi đi du lịch, mua sắm, quẹt thẻ tín dụng ào ào mà chưa biết đến quản lý tài chính là gì. Cũng chút xấu hổ khi phải thừa nhận điều này dưới danh nghĩa của một kế toán. 

Đây là kinh nghiệm cá nhân mà tôi đặc biệt muốn nhắc các bạn trẻ. Ngay từ khi mới có tháng lương đầu tiên, bạn nên kiên quyết dành ra 1/3, 1/5 hay ít nhất 1/10 số tiền đó cho tiết kiệm và hãy nghiêm túc thực hiện đều đặn mỗi tháng. Sau này, bạn chắc chắn sẽ thấy biết ơn và trân quý vì mình đã nghiêm túc trả lương cho bản thân với khoản tiết kiệm này. 

Quay lại kinh nghiệm cho một sinh viên mới ra trường. Tôi tự nhận, lý thuyết điểm 9, mối quan hệ khởi đầu là con số 0, kỹ năng không thể cho điểm vì tôi nào đã có kinh nghiệm gì. Nhưng tôi đã vượt qua vòng phỏng vấn tuyển dụng nhờ sự may mắn và sự thành thật của mình. 

6 tháng đầu tiên của tôi khi mới đi làm vô cùng chật vật. Tôi nhận ra kiến thức kế toán trên giảng đường so với thực tế kế toán doanh nghiệp và cách vận hành của môi trường công sở hoàn toàn khác xa nhau. Tôi bắt đầu biết thế nào là "ma cũ ma mới", tôi sợ va chạm với những đàn anh, đàn chị ở công ty. Tôi làm gì cũng bị họ đánh giá kém về kỹ năng, công việc thì ngày nào cũng phải mang về nhà làm mới xong nổi.

Suốt 6 tháng đó, tôi mò mẫm "tự bơi", thiếu điều sắp "chết đuối". Nhưng sau này khi bình tâm ngẫm lại, tôi mới thấy bản thân thật may mắn và mạnh mẽ. Nhưng các bạn trẻ ạ, nếu là người mới, bạn hãy chủ động để được giúp đỡ. Ban đầu bạn có thể bị khiển trách và mắc đủ thứ lỗi. Hãy thực sự cầu tiến, chăm chỉ và khéo léo ăn nói, những đàn anh, đàn chị sẽ sẵn sàng chỉ bảo, bạn sẽ tiến bộ rất nhanh. 

Sau 6 tháng, tôi được phân công vào một nhóm khác. Sếp mới đã đánh giá năng lực trước khi nhận tôi: "Bạn ấy như một tờ giấy trắng. Nhưng tôi sẽ nhận bạn về nhóm tôi". Đó là lời của sếp nhỏ nói với sếp lớn. Thời điểm đó, nếu chỉ cần cho tôi thêm 1 tuần ngồi chung phòng với sếp lớn, có lẽ tôi sẽ nộp tờ giấy A4 đơn nghỉ việc và rút lui nhanh gọn. Sau này, tôi càng biết ơn vì sếp nhỏ đã nhận mình về nhóm. Bạn biết không, khi gặp đúng sếp, về đúng đội, gặp đúng người chỉ dẫn giỏi, bạn sẽ phát huy hết năng lực và tối đa nhất. 

5 năm ở đó cho tôi thanh xuân, mối quan hệ, tuổi trẻ, kinh nghiệm xử lý công việc, nhưng về nghiệp vụ, chuyên môn nghề của tôi không quá nhiều. Tôi có thể nói, tôi có 5 năm đi làm đầu tiên chủ yếu là vì tiền.

Sau 5 năm, tôi nghỉ việc vì căng thẳng và mông lung về tương lai. Tôi không thể đi làm mãi mà không được thăng chức. Chính xác không phải vì năng lực của ta kém, mà vì công ty, môi trường quá ổn định có thể khiến cơ hội thăng tiến dành cho bạn/tôi là rất khó. Công việc lặp đi lặp lại, những áp lực chán nản cứ theo chu kỳ, rồi đến lúc tôi nhận ra mình mệt mỏi và muốn dừng lại. Đó là quyết định dừng lại nghỉ mệt rồi đi tiếp chứ không phải là dừng hẳn. Tôi thuộc tuýp không ưa thích mạo hiểm. Sau 5 năm làm kế toán, tôi không muốn bỏ nghề và bắt đầu lại với một công việc mới hoàn toàn.  

Tôi có 6 tháng nghỉ ngơi, cân bằng và tái tạo bản thân. Trong 6 tháng này, tháng đầu tiên tôi còn "nhởn nhơ" đi du dịch. Tới tháng thứ 2, thứ 3, 4, 5, tôi đi học bổ trợ nghiệp vụ kế toán, học thêm tiếng Anh. Khoảng tháng thứ 5, tinh thần tôi đã có phần "lo sốt vó" vì chưa được bên nào gọi phỏng vấn. Tới tháng thứ 6, tôi đánh liều vào một công ty làm, khi đã xài hết tiền tiết kiệm..

Đó là một công ty nước ngoài, trái ngược hẳn với môi trường trước đó ở công ty Việt Nam. Khỏi phải nói, tôi đã sốc nhiệt toàn tập về văn hóa công ty, con người, cách làm việc, báo cáo, quy tình. Tôi phải học lại từ đầu. Tiếng Anh có hạn làm tôi không tự tin khi nói chuyện với sếp. Đồng nghiệp thì phân chia rõ ràng, công tư phân minh, công ai nấy hưởng, việc ai nấy hoàn thành. 

Lúc này trái tim tôi thường nhớ đến sếp nhỏ - người hướng dẫn cho mình đủ bài học lớn nhỏ, nhớ đến văn hóa công ty Việt Nam - ổn định và an toàn biết bao. 

Nhưng lý trí lại nói với tôi điều khác. Vì sao suốt 5 năm đi làm ở công ty Việt Nam, tôi đã không nâng cấp được bản thân? Nghỉ việc ở nơi quá nhàm chán mà vừa sang môi trường mới gặp thử thách, tôi lại nản sao? Tôi hạ quyết tâm phải thay đổi, phải thích nghi, học hỏi kinh nghiệm. Thế rồi tôi cũng vượt qua 8 tháng hợp đồng temporary. Thời gian ít ỏi đó cũng cho tôi thêm kiến thức, kinh nghiệm, tuy vậy, tôi không có mối quan hệ thân thiết nào còn giữ được sau khi tôi nghỉ việc.

Sau khi nghỉ ở công ty thứ 2, may mắn thay, tôi tìm được một chốn dừng chân mới – một công ty nước ngoài pha trộn văn hóa gia đình. Đó là nơi tôi gắn bó được gần 4 năm nay. Mọi thứ đến giờ khá ổn: tôi không ngừng học mỗi ngày, công việc và cuộc sống đã ổn định hơn, bớt lo cơm áo gạo tiền, có một vị trí đủ làm mình tự tin, mối quan hệ thân thiết, ngày nào cũng đầy ắp tiếng cười với đồng nghiệp trong phòng, giao lưu với cả những bộ phận khác.

Các bạn trẻ ạ, với bất kỳ công việc nào dù chưa yêu thích, chưa có kinh nghiệm, nếu bạn làm một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, không ngừng cố gắng, tích lũy, thì sẽ có lúc mọi việc sẽ ổn theo cách của nó. Và hãy luôn nhớ bạn đi làm vì mục đích gì? 

Với cá nhân mình, tôi luôn tâm niệm 3 lý do làm việc của bản thân, đó là: Vì cơm áo gạo tiền. Vì kinh nghiệm. Vì mối quan hệ, địa vị.

Tôi đã từng có những vấp ngã, những tồi tệ, những hoang mang không biết rẽ hướng nào như bao sinh viên mới ra trường. Những kinh nghiệm tôi có được, có lẽ sẽ nhiều các bạn sẽ xử lí tốt hơn tôi. Tôi chỉ hi vọng có thể kể câu chuyện của mình, phần nào chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ: không gì hơn sự cố gắng, nỗ lực, tích lũy kiến thức, học hỏi từ cấp trên, đồng nghiệp và hãy luôn nhớ bạn tôn trọng công việc mang lại cho bạn cuộc sống, thu nhập chính đáng. Nếu có đam mê, đừng ngại từ bỏ và thay đổi. Hãy chấp nhận thử thách khi bạn còn sức trẻ, bạn được phép sai và sửa sai, rồi bạn sẽ tìm thấy điều mà bạn muốn.

Bạn đọc thân mến!

Mỗi người chúng ta trong xã hội đều có một công việc.

Tôi là một biên tập viên ngày qua ngày làm việc với guồng quay của tin tức. Bạn là một bác sĩ phải chăm lo cho bệnh nhân, một kỹ sư ngày đêm dựng nên những công trình, một nhà giáo tâm huyết với lớp lớp thế hệ học trò, một người công nhân chăm chỉ trong nhà máy, một người thợ sửa đồng hồ lặng lẽ bên một con phố nhỏ, một người bán cà phê, một trưởng phòng, một giám đốc công ty hay một người đang chập chững bước trên con đường khởi nghiệp…

Cuộc sống thật sinh động. Tôi và bạn đều có một công việc khác nhau. Không ai giống ai. Mỗi người đều có lý do riêng của mình để bắt đầu một thứ gì đó. Kể cả khi chúng ta có làm cùng một nghề, mỗi người đều nhận được những trải nghiệm rất khác nhau. Một lần nữa, không ai giống ai.

Có quá nhiều điều cần phải kể khi nhắc tới công việc của mình. Sao bạn không thử chia sẻ cho chúng tôi và mọi người cùng nghe?

Chủ đề: Cảm xúc, chia sẻ, trải nghiệm của bạn với nghề nghiệp của mình hoặc của bạn bè, người thân.

Hình thức: Thể hiện dưới dạng bài viết tối đa 2.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, phông chữ Unicode.

Tác giả bài viết gửi bài đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Ms Linh Chi - phamthilinhchi02@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên Nghề_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Văn A

Bài viết thể hiện đúng chủ đề và đáp ứng các yêu cầu nói trên, không sao chép bất kỳ tác phẩm nào từng được công bố. Những bài viết đạt yêu cầu sẽ được lựa chọn sử dụng. Chúng tôi xin phép thay đổi tiêu đề tiêu đề bài viết, biên tập nội dung cho phù hợp với tiêu chí của trang. Chúng tôi sẽ phản hồi và gửi nhuận bút với những bạn đọc có bài viết phù hợp đã được chọn đăng.

Ban biên tập trân trọng cảm ơn!

http://tintuc.vdong.vn/06/1381886.htm

D.T.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Xem thêm: nhc.8633921190602202-ig-hcid-cum-iv-mal-id-nab-ohn-noul-yah-couc-ob-noum-ihk-meik-teit-pat-yah-mal-id-iom-meihgn-hnik-man-01-naot-ek-auc-neyuhk-iol-ehgn-neyuhc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“[Chuyện nghề] Lời khuyên của kế toán 10 năm kinh nghiệm: Mới đi làm, hãy tập tiết kiệm! Khi muốn bỏ cuộc, hãy luôn nhớ b”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools