Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa đưa vào sử dụng được hơn 1 tháng - MẬU TRƯỜNG
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, tính từ ngày 30-4, sau 40 ngày chính thức thông xe, tổng lưu lượng xe chạy trên tuyến đến nay khoảng 800.000 lượt (trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm).
Trong khi theo dự báo của tư vấn thiết kế, nhu cầu vận tải trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến năm 2025 đạt 25.000 xe/ngày đêm. Như vậy, dù mới đưa vào thông xe được hơn 1 tháng nhưng lưu lượng xe thực tế đã gần bằng lưu lượng thiết kế của năm 2025.
Ông Nguyễn Quang Huy - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - cho biết dự án được quy hoạch và tính toán căn cứ vào mốc khởi điểm cách đây 13 năm.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước, lưu lượng xe về miền Tây ngày càng tăng cao nên các tuyến đường cao tốc từ TP.HCM nối Cần Thơ ngay sau khi khai thác có khả năng không đáp ứng được lưu lượng thực tế trong thời gian tới.
Do đó, cần triển khai sớm giai đoạn 2 để hoàn chỉnh, đảm bảo quy mô kết nối với các tuyến cao tốc đầu tư theo quy hoạch trong khu vực như tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành giai đoạn 1 chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến. Tuy nhiên, điểm dừng xe khẩn cấp chỉ rộng 2m nên rất khó để di chuyển các xe bị sự cố (đặc biệt là xe container) tới điểm dừng, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ.
Chưa kể, hiện nay dọc 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (49,6km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51,5km) chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tại km28+200, đoạn từ km28+500 đến cuối tuyến dài 73km chưa có trạm dừng nghỉ cho các phương tiện dừng kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, nghỉ ngơi cho lái xe và người tham gia giao thông.
TTO - Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến sau 13 năm triển khai đã đáp lại phần nào mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó mới chỉ giúp thoát cảnh "toát mồ hôi" bởi đường nhỏ, cầu hẹp trên địa phận tỉnh Tiền Giang...