Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg trong cuộc trò chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao tại Hà Nội ngày 10-6 - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN THỤY ĐIỂN
"Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển luôn có một sự nối tiếp mạnh mẽ", nhà ngoại giao Thụy Điển trả lời báo chí sau buổi nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao tại Hà Nội ngày 10-6. Ông Rydberg đang có chuyến thăm 3 ngày ở Việt Nam từ ngày 9 đến 11-6.
Theo Thứ trưởng Rydberg, Việt Nam và Thụy Điển có rất nhiều tiềm năng để hợp tác, tăng cường hiểu biết sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ.
"Một lĩnh vực mà tôi thấy đặc biệt có tiềm năng lớn cho hợp tác song phương chính là quá trình chuyển đổi xanh (của nền kinh tế)", nhà ngoại giao Thụy Điển nhắc lại các cam kết của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu, bao gồm phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.
Ngoài quan hệ Việt Nam - Thụy Điển, Thứ trưởng Rydberg cũng chia sẻ về chính sách đối ngoại và an ninh của Thụy Điển cũng như mô hình đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu của nước này.
Trong phần hỏi đáp, nhà ngoại giao cấp cao đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan quyết định xin gia nhập NATO của Stockholm. Ông Rydberg khẳng định việc nộp đơn xin vào NATO - một khối liên minh quân sự - sẽ không thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại tự chủ và rộng mở toàn cầu của Stockholm.
"Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với những quốc gia quan trọng như Việt Nam", ông Rydberg khẳng định với báo chí khi được hỏi về tác động của việc gia nhập NATO với chính sách đối ngoại của Thụy Điển.
Thứ trưởng Rydberg chia sẻ ông tin rằng thế giới sẽ hiểu cho quyết định xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
"Căn bản thì tình hình an ninh tại châu Âu đã thay đổi từ sau ngày 24-2 năm nay, và chúng tôi phải tìm cách thích ứng với những thay đổi đó theo hướng làm thế nào để bảo vệ tự do và độc lập quốc gia trong dài hạn", ông Rydberg nói.
Theo nguyên tắc, việc kết nạp một thành viên mới cần nhận được sự đồng ý của tất cả thành viên NATO hiện có. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan, viện dẫn các lý do liên quan đến người Kurd tại hai quốc gia này.
"Chúng tôi đang có các cuộc đàm phán song phương với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này. Họ sẽ sớm trở thành một đồng minh của Thụy Điển, do đó cần phải giải quyết những chuyện mà tôi cho là xuất phát từ sự hiểu lầm và thông tin chưa đầy đủ. Tôi tự tin chúng tôi có thể vượt qua được việc này", Thứ trưởng Rydberg nêu quan điểm khi được hỏi về sự phản đối của Ankara.
TTO - Ngày 25-5, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương của Phần Lan và Thụy Điển không thể tiến triển trừ khi các lo ngại an ninh của Ankara được giải quyết.