Không chỉ bàn cơ chế đặc biệt cho các dự án đường vanh đai Hà Nội, TP.HCM mà trong phiên họp toàn thể hôm nay, 10-6, Quốc hội cũng giành thời gian thảo luận về nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Đặc thù, thức là cơ chế pháp lý, phân bổ nguồn lực cho Khánh Hòa sẽ cởi mở và rộng rãi hơn các tỉnh khác. Vậy nhưng, hầu hết các ĐBQH đến từ các địa phương khác đều đồng tình với dự thảo mà Chính phủ trình.
Bởi theo nhiều ý kiến, “so với nhiều địa phương, Khánh Hoà xứng đáng có được nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhất”.
Phát biểu tại nghị trường, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau nhấn mạnh: “Khánh Hoà rất xứng đáng”.
Lý do là Khánh Hoà có hai đặc thù vượt trội: có huyện đảo Trường Sa, có vịnh Cam Ranh và cảng nước sâu, mang ý nghĩa quan trọng về cả chính trị, quốc phòng, an ninh, phòng thủ của đất nước.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: QH |
Vì là "rất xứng đáng', nên ông Lê Thanh Vân cho rằng các cơ chế cho Khánh Hòa phải đặc thù hơn nữa. Chứ như dự thảo thì “cơ bản vẫn nằm trong trần pháp lý hiện tại và một số cơ chế đã có tiền lệ khi chúng ta đã quyết cho tám địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ..."
Nhắc lại tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn QH và Ban cán sự Đảng Chính phủ phải thiết kế được các chính sách đặc thù cho Khánh Hoà ở ba bình diện cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, đặc biệt là phân cấp uỷ quyền, ông Vân nhận xét dự thảo nghị quyết mới thấy bóng dáng của đầu tư và tài chính.
“Tôi kiến nghị trước hết phải rà soát lại, trao cho Khánh Hoà quyền được tự quyết định chủ trương đầu tư” - ông Lê Thanh Vân đề xuất.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ từ nay đến 2030, Khánh Hoà phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và phải là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Như vậy, phải đầu tư cho Khánh Hòa trở thành điểm “kích nổ”, phát triển lan truyền miền Trung và Tây Nguyên.
Muốn vậy, đầu tư công phải tăng lên và chìa khóa chính là trao cho Khánh Hoà quyền tự quyết chủ trương đầu tư, chỉ cần phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đã được phê duyệt là được...
Cạnh đó là tỉnh này phải được quyền tổ chức bộ máy hành chính phù hợp với tiêu chí quản lý của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chẳng hạn, “Khánh Hoà có thể tổ chức Sở Kinh tế biển. Vì lợi thế của Khánh Hoà chính là biển”.
Cũng mạch phát biểu, ĐB Lê Thanh Vân kiến nghị trao cho Khánh Hoà quyền quyết định nhân sự theo phân cấp của Trung ương - chẳng hạn nhân sự Phó Chủ tịch tỉnh. Linh hoạt như thế mới thu hút được nhân tài thực sự để lãnh đạo, tổ chức thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế.
“Cần có cơ chế đặc thù riêng biệt mới phát triển được, hơn là cho cơ chế bằng tiền, bằng đầu tư công” - vẫn lời ông Vân.
Trước ý kiến một số ĐB cho rằng bên cạnh việc xem xét cho Khánh Hoà, cần xem xét cơ chế đặc thù cho địa phương khác, ông Vân nhận xét “đây là tư duy theo chủ nghĩa bình quân”.
ĐB Cà Mau đề nghị Chính phủ sớm tổng kết Nghị quyết 54/2017 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng như bảy nghị quyết tương tự cho các địa phương khác, phân loại ra nhóm chính quyền địa phương có cùng tiêu chí phát triển, cùng đặc thù...
“Trên cơ sở đó chúng ta có thể thiết kế cơ chế chung từng nhóm chính quyền địa phương có trình độ phát triển, năng lực, tiềm năng như nhau. Như thế sẽ không cần mô hình, cơ chế đặc thù nữa” - ông Vân nói và lưu ý sau Khánh Hoà, QH đã trao cơ chế đặc thù cho 9/63 tỉnh, thành, một tỉ lệ thực nghiệm quá cao.