Chiều 10.6, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức giai đoạn 2018 - 2022.
Theo LĐLĐ TP.HCM, những năm qua, thị trường lao động, cơ cấu nghề nghiệp, xu hướng việc làm... tại TP.HCM bị tác động mạnh mẽ bởi sự chuyển dịch cơ cấu cấu kinh tế theo hướng tăng cao lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp hiện đại và giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động.
Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 đã biến đổi phương thức vận hành và mối quan hệ giữa các yếu tố của quá trình sản xuất. Hình thức lao động qua nền “kinh tế chia sẻ” (công việc qua nền tảng kỹ thuật số trung gian như gọi xe trực tuyến hay các không gian làm việc...) xuất hiện.
Một số loại hình hợp đồng bằng văn bản truyền thống bị thay thế bằng hình thức ký kết lao động thông qua giao kết kinh doanh, hợp tác, hợp đồng “thỏa thuận miệng”… Từ đó, hình thành một bộ phận không nhỏ người lao động thuộc khu vực phi chính thức.
Tuy nhiên, điều quan trọng là khi có các vấn đề xảy ra tranh chấp lao động hay có tai nạn nghề nghiệp, đa phần những người tham gia lao động trực tiếp từ các ngành nghề trên đều gặp khó khăn, yếu thế.
Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn TP.HCM nhiệm kỳ 2018 - 2023 có nội dung tập trung “Thí điểm thực hiện mô hình tập hợp người lao động ở khu vực phi kết cấu vào nghiệp đoàn theo từng ngành nghề”.
Theo đó, thời gian qua, việc vận động, phát triển đoàn viên nghiệp đoàn tập trung ở các khu vực có đông người lao động, khu dân cư có đông người nhập cư từ nơi khác vào các ngành nghề như: nhóm lớp mầm non, giữ trẻ gia đình; giúp việc gia đình; dịch vụ xe ôm (truyền thống, công nghệ); thợ xây dựng; thu gom, vận chuyển rác dân lập; bán vé số, hàng rong, hớt tóc, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe gắn máy, buôn bán thức ăn đường phố...
Số liệu tính đến nay, TP.HCM đang quản lý 152 nghiệp đoàn với 7.055 đoàn viên.
Chưa có chính sách quản lý, thống kê lao động khu vực phi chính thức
Theo LĐLĐ TP.HCM, hiện nay việc rà soát, tiếp cận lực lượng lao động phi chính thức khó khăn do chưa có chính sách quản lý và thống kê, theo dõi; các quy định của luật chưa chặt chẽ trong việc giải quyết tranh chấp lao động khi có phát sinh cho nhóm khu vực kinh tế phi chính thức (kinh tế chia sẻ, hợp đồng miệng, giao kết giản đơn…).
Ngoài ra, lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ cao, đa dạng ngành nghề, thường xuyên biến động; nơi sinh sống không tập trung (do chủ yếu là lao động nhập cư), không cùng nơi làm việc, dễ dàng thay đổi nên khó quản lý.
Đồng thời, lao động tự do không có người chủ quản hoặc lao động hợp đồng thời vụ, tập trung chủ yếu nhóm nghề nghiệp nhỏ lẻ, ít lao động... nên khó khăn trong việc tập hợp để vận động tuyên truyền.
Mặt khác, hoạt động của một số nghiệp đoàn cơ sở còn gặp khó khăn về kinh phí, chưa đảm bảo nên sinh hoạt chưa thường xuyên, chưa đủ khả năng tự hoạt động và chăm lo cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.
Phía LĐLĐ TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn và nghiệp đoàn cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác chăm lo; kịp thời quan tâm sâu sát các lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn...